Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ: Cứ phải phạt nghiêm thì mới sợ?!

Trà Giang| 22/03/2023 16:30

(HNMCT) - Mặc dù đã có khá nhiều quy định liên quan tới văn hóa ứng xử của nghệ sĩ song theo ý kiến chung, các chế tài hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đề xuất chế tài nặng hơn đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật, trong đó có việc “cấm sóng”. Vì sao cứ phải “đòn đau” thì mới sợ?

Chế tài “cấm sóng” sẽ là đòn đau với nghệ sĩ vi phạm.

Nghệ sĩ đã khác?

Có vẻ như chính người trong nghề cũng nhận thấy nghệ sĩ bây giờ “hát khác xưa và sống cũng khác xưa”. Như trong một đêm diễn gần đây, nam ca sĩ Bằng Kiều chia sẻ: “Lứa ca sĩ Bằng Kiều, Lam Trường, Phương Thanh, Mỹ Linh, Hồng Nhung... ngày xưa chúng tôi chơi với nhau cực kỳ vô tư. Các bạn bây giờ ít chơi với nhau, toàn đánh nhau trên mạng là chính, cãi nhau ỏm tỏi”.

Như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội chia sẻ: "Thời gian qua, do những tác động của nhân tố chủ quan và khách quan, một số nghệ sĩ có những biểu hiện “lệch chuẩn” trong lối sống. Sau giây phút đăng quang từ những cuộc thi nghệ thuật, sau ánh đèn sâu khấu, những lời tụng hô nhất thời của người hâm mộ, một số nghệ sĩ đã tự huyễn hoặc, “mắc bệnh ngôi sao”. Khi có tiền, có tên tuổi trong làng giải trí, được nhiều công ty, đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật săn đón, một số nghệ sĩ trẻ có tâm lý ảo tưởng, cho mình là nhất, cố tạo phong cách sang chảnh, sành điệu, sa vào ăn chơi, có những hành vi thiếu ý thức, thậm chí là vi phạm pháp luật, tạo nên dư luận xấu. Trong bối cảnh mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ. Với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường hay một bài viết, bình luận, hình ảnh đăng trên trang cá nhân có thể tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn”. Thậm chí, có nhiều người còn nhận định: Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay!

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện qua 3 xu hướng cơ bản: Thứ nhất, sử dụng lời lẽ thô tục trên mạng xã hội để gây sự chú ý, “câu like”, qua đó tăng tương tác trên mạng xã hội. Thứ hai, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng để đăng lên trang cá nhân nhằm gây sự chú ý của nhiều người; có nghệ sĩ lợi dụng tầm ảnh hưởng của bản thân để đưa ra những phát ngôn gây “sốc”, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Thứ ba, có những người phát ngôn, sử dụng chiêu trò quảng cáo quá đà về các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật... Những hành động đó gây cản trở rất lớn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiềm ẩn nguy cơ khuyến khích hành vi phạm pháp.

Đề xuất phạt nặng

Trước những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ, công chúng đã nhiều lần lên tiếng, đòi hỏi phải có chế tài phù hợp để làm trong sạch môi trường showbiz. Một cách tự phát, nhiều phong trào “tẩy chay” đã xuất hiện trên mạng để phản đối các nghệ sĩ có phát ngôn, hành vi bị cộng đồng lên án. Tuy nhiên, dường như điều đó chưa khiến các nghệ sĩ “sợ”, liên tiếp các vụ việc tương tự vẫn diễn ra và có vẻ như “sóng sau cao hơn sóng trước”, khiến dư luận đòi hỏi sự mạnh tay hơn nữa từ phía cơ quan quản lý.

Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”. Quy tắc này được xem là căn cứ để đánh giá nghệ sĩ và các cơ quan, đơn vị truyền thông có thể nương vào đó để xem xét có nên sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ vi phạm hay không. Tuy nhiên, do không có chế tài xử phạt nên Quy tắc này mới chỉ ở mức kêu gọi “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Trước thực trạng nói trên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành xây dựng chế tài với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật. Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đang vi phạm pháp luật nhưng các quy định pháp luật hiện hành chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, mức phạt với mỗi hành vi vi phạm liên quan đến đưa tin sai sự thật chỉ từ 5 - 10 triệu đồng; mức phạt vi phạm về quảng cáo chỉ đến 80 triệu đồng, còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Với các trường hợp vi phạm, Cục đề xuất "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" ở các mức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc cấm vĩnh viễn tùy theo mức độ tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến xã hội.

Theo kinh nghiệm từ một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, chế tài “cấm sóng” được xem là chế tài nặng nhất, hiệu quả nhất bởi nó đánh vào lợi ích của nghệ sĩ. Với họ, việc "cấm sóng" không chỉ là mất tiền, mà có khi còn là mất nghề do mất đi cơ hội xuất hiện trước công chúng, tên tuổi bị phai nhạt theo thời gian... Trước mắt, khi chưa có quy định pháp luật, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất sử dụng phương thức hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm. Hy vọng rằng các nghệ sĩ sẽ ý thức được trách nhiệm của mình trong từng lời nói, hành vi, đừng để bị “nhận phạt” rồi mới thức tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ: Cứ phải phạt nghiêm thì mới sợ?!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.