Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Tài chính Algeria bị điều tra về các cáo buộc tham nhũng

Theo TTXVN/Vietnam+| 30/04/2019 20:46

Bộ trưởng Tài chính Algeria Mohamed Loukal đã bị triệu tập và thẩm vấn với những cáo buộc về hoạt động bất hợp pháp, hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Bộ trưởng Tài chính Algeria Mohamed Loukal. (Nguồn: saudigazette)


Ngày 29-4, Bộ trưởng Tài chính Algeria Mohamed Loukal đã bị triệu tập và thẩm vấn với những cáo buộc về hoạt động bất hợp pháp, hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Đây là một phần trong cuộc điều tra về tham nhũng được thực hiện sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức.

Ông Loukal - cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương, là quan chức chính phủ đương nhiệm đầu tiên phải xuất hiện trước cơ quan công tố kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra cuối tháng 2 vừa qua, để phản đối quyết định tranh cử lần thứ 5 của Tổng thống Bouteflika.

Trước đó, cựu lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Algeria Abdelghani Hamel cũng bị triệu tập và điều tra vì hành vi nhận hối lộ.

Ông Loukal được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính vào cuối tháng 3 vừa qua, khi Tổng thống Bouteflika thành lập một chính phủ mới nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của người dân.

Trước đó, ông Loukal và cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia đã bị triệu tập nhưng dư luận chưa xác định được họ bị thẩm vấn với tư cách là nhân chứng hay nghi phạm.

Kể từ khi cựu Tổng thống Bouteflika từ chức hồi đầu tháng 4 này, cơ quan chức năng Algeria đã đẩy mạnh hoạt động điều tra tham nhũng, tập trung vào các chính trị gia, quan chức thuộc chế độ cũ và doanh nhân thân cận với cựu Tổng thống.

Trong số đó, đáng chú ý là doanh nhân giàu nhất Bắc Phi Issad Rebrab đã bị bắt giữ vì cáo buộc gian lận trong khai báo hải quan.

Tiếp đến là Tổng Giám đốc tập đoàn Năng lượng nhà nước Sonatrach Abdelmoumen Ould Kaddour, đã bị sa thải theo yêu cầu của Tổng thống lâm thời Abdelkader Bensalah. Bốn anh em thuộc gia đình danh giá Kouninef cũng đã bị bắt.

Đất nước Algeria đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi người dân liên tục biểu tình với quy mô lan rộng trên khắp cả nước từ ngày 22-2 vừa qua đến nay, đặc biệt tại thủ đô Algiers, nơi bị cấm biểu tình dưới mọi hình thức từ năm 2001.

Những người biểu tình bày tỏ phản đối Tổng thống Bouteflika tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 cũng như yêu cầu thay đổi triệt để hệ thống chính trị của nước này.

Sau khi Tổng thống Bouteflika đệ đơn từ chức, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (tức Thượng viện) Abdelkader Bensalah đã được ủy nhiệm tạm thời giữ chức tổng thống trong tối đa 3 tháng và sẽ có tối đa 90 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới./. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Tài chính Algeria bị điều tra về các cáo buộc tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.