(HNMO) - Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tạm dừng việc thực hiện Thông tư số 63/2015/TT-BTC để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay.
Ngày 3/8, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 19 ngày 26/1/2015 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63 ngày 6/5/2015 quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn. Thông tư số 63 áp dụng từ ngày 20/6/2015.
Tuy nhiên, ngày 29/7/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 10420 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tạm dừng việc thực hiện Thông tư số 63 để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay (chưa thực hiện ngay việc thu thuế xuất khẩu mặt hàng sắn theo Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 26/1/2015).
Việc áp thuế suất khẩu sắn ở mức 5% khiến số lượng tồn kho mặt hàng này lớn (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 63 theo đúng trình tự thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 1/1/2016.
Sau khi có Thông tư sửa đổi Thông tư số 63, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi để có lộ trình điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu sắn cho phù hơp với lộ trình áp dụng xăng sinh học tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg và tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ sắn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về các đề nghị nêu trên, Bộ Tài chính sẽ có văn bản tạm dừng Thông tư số 63 và sửa đổi theo đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính có đề xuất trên bởi thời gian vừa qua Bộ nhận được công văn kiến nghị của một số doanh nghiệp và qua thông tin trên một số báo phản ánh khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện áp dụng chính sách thuế xuất khẩu sắn lát 5%. Vì vậy, Bộ Tài chính đã họp với các Bộ, ngành và hiệp hội liên quan, tiến hành khảo sát thực tế tại hai địa phương có số lượng sắn lát tồn kho lớn.
Từ thực tế khảo sát cho thấy, cây sắn là cây xóa đói, giảm nghèo của người nông dân và được trồng chủ yếu tại các vùng sâu vùng xa. Sản phẩm sắn tươi và khô sản xuất trong nước được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất tinh bột (chiếm 58% tổng sản lượng sắn tươi); ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (chiếm 14% tổng sản lượng sắn tươi); ngành sản xuất ethanol (chiếm 3,2% tổng lượng sắn tươi cả nước), sản lượng sắn tươi còn lại được phơi khô để xuất khẩu. Hiện nay tổng sản lượng sắn khô xuất khẩu là 2 triệu tấn/năm (chiếm 40% sản lượng cả nước). Do việc tăng thuế xuất khẩu sắn từ 0% lên 5% nên sản lượng sắn khô để xuất khẩu đang bị tồn kho lớn (khoảng 500.000 tấn).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.