Các FTA mang đến cơ hội cho xuất khẩu, nhưng nếu doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa mạnh nhất, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và 60 đối tác toàn cầu. Các FTA thế hệ mới có quy mô lớn hơn, linh hoạt và cởi mở hơn.
Trong số đó, FTA với Liên minh châu Âu (EU) ký kết năm 2020 đã đưa thương mại 2 chiều tăng cao sau hơn 4 năm thực thi. Đáng chú ý, Việt Nam và Singapore là 2 đối tác trong ASEAN có FTA với EU, giúp hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, hơn 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam còn thấp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ nên không được hưởng ưu đãi thuế quan.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu ở khâu chế biến và lắp ráp, các công đoạn đầu chuỗi có giá trị gia tăng cao thực hiện tại nước ngoài.
Dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng liên tục song phụ thuộc nhiều vào nguyên - phụ liệu nước ngoài, doanh nghiệp FDI, do đó bất kỳ biến động nào từ thị trường nguyên phụ liệu thế giới cũng ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, các nước tham gia các FTA đều gia tăng rào cản phi thuế quan cho sản phẩm nhập khẩu. Các rào cản này liên quan tới các tiêu chuẩn, đơn giản như dán nhãn hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phức tạp hơn là chống phá rừng, giảm dấu chân carbon…
Theo thống kê, 90% thương mại toàn cầu bị tác động bởi các biện pháp phi thuế quan, đồng thời hạn chế thương mại gấp 3 lần các biện pháp thuế quan, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất tới các nước đang và kém phát triển.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan quản lý tận dụng cơ hội của các FTA, Bộ Công Thương tổ chức “Khóa đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ xuất, nhập khẩu”. Chương trình đào tạo thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Sáng kiến Hợp tác Mê Kông-Lan Thương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.