Tổng cục Thuế chuyển đổi số mạnh mẽ khi triển khai 235 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 122 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, ngành Thuế đang có những bước tiến dài trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó, đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Thời gian qua, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế như: Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động eTax-Mobile từ năm 2021; triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để triển khai dịch vụ công trực tuyến và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia…
Số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, đơn vị này đã triển khai 235 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 122 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt 99,59%, nộp thuế điện tử đạt 99,2%, hoàn thuế điện tử đạt 97,6%. Ngoài ra, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 10,8 tỷ hóa đơn, đây là nguồn dữ liệu lớn quan trọng phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Đáng chú ý, cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ khi triển khai (tháng 3-2022) đến nay đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký khai thuế và nộp thuế với số thuế đã kê khai, nộp là 20.174 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành Thuế tích cực nghiên cứu, triển khai, thử nghiệm ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các khâu trong công tác thuế.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã thực hiện thí điểm trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế (Chatbot hỗ trợ người nộp thuế) tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế trả lời câu hỏi tự động, nhanh chóng, chính xác, tích hợp sẵn các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu. Người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng sử dụng, tương tác với trợ lý ảo 24/24 giờ, mọi lúc, mọi nơi…
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã tạo thuận lợi, giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí khi tiếp cận các chính sách về thuế.
Chị Nguyễn Thị Hà (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế là kênh hỗ trợ, tìm kiếm thông tin về thuế tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Chẳng hạn, khi gửi câu hỏi về mẫu tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân, ngay lập tức tôi nhận được câu trả lời chi tiết, cụ thể và đầy đủ, bao gồm cả đường link tải mẫu tờ khai quyết toán thuế ”...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho hay, tổng cục đang xúc tiến nghiên cứu và sẽ sớm triển khai thêm công cụ phục vụ quản lý thuế, đó là hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động. Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng chức năng “Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân gợi ý” trên các ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử. Theo đó, ứng dụng sẽ hỗ trợ tạo tờ khai gợi ý cho cá nhân trên cơ sở dữ liệu hệ thống thuế tổng hợp được từ các tổ chức trả thu nhập thay vì người nộp thuế phải tự tổng hợp lại các thông tin để kê khai. Sau đó, sẽ thực hiện nâng cấp ứng dụng, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế, dự kiến triển khai ngay đầu năm 2025.
“Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động sẽ rút gọn, đơn giản hóa các bước xử lý hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân và giảm tải khối lượng công việc phải xử lý thủ công. Với số lượng rất lớn người nộp thuế là cá nhân được cơ quan thuế đang quản lý hằng năm phải thực hiện các thủ tục hành chính như quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân, việc triển khai ứng dụng sẽ là bước đột phá để đơn giản hóa thủ tục hành chính”, ông Mai Xuân Thành nói.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế xây dựng cổng thông tin điện tử dành cho cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đăng ký, kê khai, nộp thuế. Tổng cục Thuế đã cơ bản hoàn thành các chức năng của cổng thông tin và sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới. Ngành Thuế cũng sử dụng AI trong phân tích thông tin hóa đơn điện tử để xác định các giá trị mua bán, kinh doanh bất thường, lập các chuỗi mua - bán từ người mua - bán thứ nhất cho đến thứ N xoay quanh việc cung cấp hàng hóa của chuỗi mua bán nhằm xác định các rủi ro về việc lập hóa đơn giả hoặc có hành vi mua bán hóa đơn cũng như áp dụng trong công tác xét hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, ứng dụng AI trong việc phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để xác định các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế; ứng dụng AI trong công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ triển khai xây dựng trợ lý ảo tự động phân loại nợ, thông báo nợ, thực hiện biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ và đang thực hiện kết nối truyền nhận thông tin tự động với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), các ngân hàng thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.