(HNMO) - Ngay trước thời điểm Hà Nội triển khai bổ sung 15 tổ công tác 141 (ngày 15-10), Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo 141 Công an thành phố Hà Nội chia sẻ với HNMO về sức mạnh của lực lượng mới trong xử lý các vi phạm giao thông.
PV: Tám năm qua, Hà Nội đã và đang duy trì hoạt động của 15 tổ công tác đặc biệt mang thương hiệu “141”, hiệu quả rõ rệt và mạnh mẽ trong trấn áp tội phạm đường phố, mang lại bình yên cho Thủ đô. Mục tiêu mới của việc bổ sung 15 tổ công tác 141 là gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Dương Đức Hải: Ngày 7-10-2019, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký ban hành kế hoạch triển khai bổ sung 15 tổ công tác 141 tại công an các quận, huyện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thành phố, phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội trọng đại sẽ diễn ra trong thời gian tới, như kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV; đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như nhiều sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao quan trọng khác..
Đặc biệt, các tổ công tác 141 được bổ sung vào thời điểm này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020.
Các tổ công tác sẽ hoạt động trong vòng một năm, từ ngày 15-10-2019 đến ngày 15-10-2020. 15 tổ công tác mới sẽ kế thừa, bám sát phương thức hoạt động hiệu quả của lực lượng 141 hiện nay. Tuy nhiên, nét mới là những tổ công tác bổ sung sẽ phối hợp với công an các quận, huyện chủ động khảo sát địa bàn, bố trí lực lượng tại chỗ để nâng cao tối đa hiệu quả.
PV: Lực lượng 141 bổ sung sẽ tập trung xử lý những đối tượng, hành vi vi phạm cụ thể nào và phạm vi, địa bàn hoạt động ra sao?
Thượng tá Dương Đức Hải: Một ngày trước khi các tổ công tác 141 mới “tung quân”, Phòng CSGT Công an thành phố đã tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt tới cán bộ chiến sĩ nội dung cụ thể của kế hoạch.
Cụ thể, các tổ công tác sẽ tập trung xử lý các trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy vi phạm trật tự ATGT; các phương tiện tham gia giao thông nghi vấn có dấu hiệu tội phạm, tệ nạn xã hội, tàng trữ vũ khí, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, không chấp hành hoặc chống lại lực lượng chức năng…
15 tổ công tác được bổ sung cũng có nhiệm vụ phát hiện, phối hợp ngăn chặn, giải quyết các trường hợp tụ tập đông người tuần hành, biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng.
Địa bàn xử lý tại các tuyến đường phố, nút giao thông trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT tại 12 quận và 3 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh 15 tổ công tác sẽ hoạt động linh hoạt, không cố định theo tuyến hay địa bàn cụ thể nào. Lực lượng hình sự công an quận, huyện, xã, phường qua rà soát địa bàn, nếu thấy có dấu hiệu bất thường ở khu vực nào hay phát hiện ở đâu tập trung nhiều vụ việc, đối tượng liên quan đến hoạt động tội phạm thì sẽ bố trí hoạt động tại đó để trấn áp, ngăn chặn.
PV: Vậy, Phòng CSGT có kế hoạch cụ thể nào để phối kết hợp, phát huy sức mạnh của 15 tổ công tác 141 bổ sung trong xử lý các đối tượng nghi vấn có hoạt động phạm tội?
Thượng tá Dương Đức Hải: Mục đích chính trong hoạt động của 15 tổ công tác là tập trung xử lý các đối tượng lưu manh, côn đồ, có biểu hiện mang công cụ hỗ trợ, vũ khí ra đường. Bằng kinh nghiệm, lực lượng cảnh sát hình sự sẽ phát hiện, phân tích, đánh giá nhanh và tiếp cận các đối tượng có dấu hiệu tội phạm. Khi đã trấn áp được đối tượng có biểu hiện nghi vấn, chiến sĩ địa bàn sẽ kiểm tra thông tin từ cơ sở dữ liệu của Công an thành phố để nhanh chóng xác định danh tính đối tượng, nguồn gốc phương tiện đối tượng sử dụng.
Phòng CSGT cũng chủ động triển khai 20 chốt xử lý vi phạm ở các nút giao cắt có đèn tín hiệu giao thông trong các quận để tập trung mạnh xử lý vi phạm vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là với đối tượng ăn mặc hầm hố, xăm trổ, “đầu xanh đầu đỏ”... Nếu các đối tượng có biểu hiện chống đối, lực lượng 141 sẽ kịp thời di chuyển đến hỗ trợ.
Thời gian từ nay đến cuối năm, Phòng sẽ tập trung xử lý mạnh những đối tượng này để người dân Thủ đô không còn thấy ở nút giao thông đèn xanh đèn đỏ có đối tượng nghênh ngang phi xe “thông chốt” hết sức phản cảm và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
PV: Trước giờ các tổ công tác 141 mới ra quân, trong đó lực lượng CSGT sẽ giữ vai trò nòng cốt, đồng chí có lưu ý gì với các cán bộ chiến sĩ?
Thượng tá Dương Đức Hải: Tôi luôn lưu ý các cán bộ, chiến sĩ 141 phải có trách nhiệm cảnh giới, hỗ trợ lẫn nhau trong phòng ngừa, kiên quyết bắt giữ đối tượng có hành vi cản trở. Quá trình bắt giữ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác, người vi phạm và người tham gia giao thông. Các trường hợp phải khống chế, bắt giữ đối tượng vi phạm thì đưa về trụ sở công an nơi gần nhất để đấu tranh, xử lý theo thẩm quyền.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, các cán bộ chiến sĩ phải xác định rõ đối tượng tập trung đấu tranh, không dừng đỗ và xử lý tràn lan dẫn đến mất nhiều lực lượng và thời gian, giảm hiệu quả cho mỗi ca làm nhiệm vụ. Phòng CSGT cũng sẽ tổ chức kiểm tra, ghi hình quá trình hoạt động của 15 tổ công tác nhằm chấn chỉnh sai phạm của cán bộ chiến sĩ (nếu có).
Mỗi cán bộ chiến sĩ, mỗi tổ công tác luôn phải có tác phong, lời nói, thái độ ứng xử có văn hóa với người dân; hành xử nhân văn với từng vụ việc nhưng tuyệt đối quyết liệt, nghiêm khắc với đối tượng phạm tội.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Phó Trưởng ban Chỉ đạo 141 Công an thành phố đề nghị công an các quận, huyện phải gắn trách nhiệm với quá trình hoạt động của các tổ 141, bởi đây là lực lượng giữ gìn an ninh trật tự cho địa bàn; quan tâm bố trí lực lượng có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực, sức chiến đấu cũng như hỗ trợ tối đa, tiếp nhận và giải quyết nhanh những vụ việc và đối tượng được bàn giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.