(HNM) - Thị trường tài chính tiền tệ biến động khó lường do nhiều nguyên nhân là điều đã được cảnh báo trước. Khó khăn về nguồn vốn trong những tháng đầu năm cũng không ngoài sự tiên liệu của các ngân hàng.
Tạm dừng đầu tư, ngừng sản xuất cũng đồng nghĩa với đóng băng lợi nhuận, không ít doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng nhưng không thể đình lại việc lắp đặt dây chuyền sản xuất hay trả lương công nhân… Lượng vốn huy động phụ thuộc vào nhu cầu, doanh nghiệp nhỏ cần dăm, bảy trăm triệu, doanh nghiệp lớn cần vài ba tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng. Thế là, vay "nóng", vay "nguội", đăng quảng cáo qua mạng nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi, không ít doanh nghiệp phải trả phí môi giới 5-10% trên tổng số tiền vay… "Một vốn, bốn lời" là giấc mơ của chủ doanh nghiệp, còn chuyện làm ăn có được như vậy hay không, hạ hồi phân giải nhưng rõ ràng nhiều doanh nghiệp đã phải "ngậm bồ hòn".
Chưa có nhận định chính thức về quy mô thị trường tín dụng phi chính thức. Bởi việc này không dễ, thỏa thuận dân sự giữa các bên không dễ để công khai, có nhiều lý do tế nhị, cần phải "kín miệng". Có điều chắc chắn rằng không nhiều người có gan đem dăm, bảy tỷ đồng để cho vay. Số tiền lớn thường là của một tổ chức nào đó. Thực tế đã xuất hiện tin đồn về nguồn vốn từ các tổ chức tài chính trung gian chảy ra thị trường tín dụng phi chính thức thông qua các hoạt động ủy thác, nhận ủy thác, cho vay tiêu dùng... Thậm chí, có chuyên gia tài chính nhận định rằng lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế bằng VND giảm sút do nhiều nguyên nhân, không loại trừ bị rút để cho vay với lãi suất cao.
Người cho vay không hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh của người vay, không có điều kiện thẩm định dự án... thì dù có hợp thức hóa các hợp đồng vay chăng nữa cũng đầy rủi ro, có "được nạ" cũng không tránh khỏi "má đã sưng". Thế nhưng tại sao người ta vẫn rút tiền ngân hàng để tuồn ra thị trường tín dụng không chính thức? Chuyện này, mỗi người cho vay đều có cách trả lời riêng, không ngoài lợi nhuận.
Quy mô thị trường tín dụng phi chính thức càng phình to ra thì tác động tiêu cực khi bong bóng vỡ càng nặng nề. Hậu quả xấu không chỉ với người cho vay, mà ngay thị trường tài chính tiền tệ chính thức cũng bị kéo vào vòng xoáy tiêu cực.
Ai cũng biết, cũng lo, nhưng làm gì để ngăn chặn đổ vỡ có thể xảy ra là điều không đơn giản. Có thể bắt đầu từ phía cho vay, nhưng sự mạnh tay cần dựa trên hệ thống quy định của luật pháp. Mà điều đó, ta đã có đủ chưa?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.