(HNMO) - Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 được Bộ Công Thương tập trung vào 14 ngành nghề.
Theo phương án trên, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tương đương 36%.
Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1% (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 tập trung vào 14 ngành nghề.
Trong đó, đối với lĩnh vực án toàn thực phẩm, đề xuất cắt giảm 79 điều kiện; đơn giản hóa 34 điều kiện trong tổng số 132 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, chuyển hậu kiểm 8 điều kiện/65 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này. Về lĩnh vực kinh doanh rượu, đề xuất cắt giảm 6 điều kiện; chuyển hậu kiểm 7 điều kiện trong tổng số 30 điều kiện.
Với lĩnh vực điện lực, đề xuất cắt giảm 7 điều kiện; đơn giản hóa 2 điều kiện; chuyển hậu kiểm 3 điều kiện trên tổng số 49 điều kiện hiện hành.
Đối với lĩnh vực hóa chất, đề xuất cắt giảm 15 điều kiện; đơn giản hóa 24 điều kiện; chuyển hậu kiểm 12 điều kiện trên tổng số 77 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực.
Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5%, cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Công Thương được đánh giá cao trong việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối nhưng vừa qua, Cục Quản lý thị trường được nâng cấp lên thành Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), liệu việc này có mẫu thuẫn với tinh thần tinh gọn bộ máy?
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, việc thành lập Tổng cục QLTT không mâu thuẫn với chủ trương tinh giản bộ máy của Bộ bởi vì Tổng cục QLTT hoạt động theo mô hình mới, Chi cục được tổ chức thành Cục cấp tỉnh (63 Cục) và giữ nguyên mô hình Đội QLTT cấp huyện để bảo đảm ổn định hoạt động của cơ quan QLTT địa phương trong giai đoạn đầu thành lập Tổng cục. Biên chế của Bộ tăng lên nhưng biên chế ở địa phương lại giảm đi.
Năm 2019, Bộ Công Thương xây dựng Đề án thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh, 681 đội QLTT cấp huyện thuộc Cục cấp tỉnh cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu giảm hơn 300 đội (giảm 45%) đến năm 2020.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc thành lập Tổng cục QLTT là cần thiết bởi tình hình gian lận thương mại thời gian qua diễn ra ở khu vực và địa bàn rộng hơn chứ không mang tính chất cục bộ, địa phương như trước, đòi hỏi phải tổ chức lại bộ máy quản lý thị trường để công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.