Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình thường và bất bình thường

Thái Sơn| 21/09/2012 07:04

(HNM) - Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về đề án lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn. Nhiều ý kiến đã khẳng định, đây là việc làm cần thiết để nâng cao trách nhiệm của những người giữ chức vụ, đặc biệt là người đứng đầu.

Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận, cần có cơ chế để cho người tín nhiệm thấp từ chức, từ nhiệm, dần dần tạo ra văn hóa từ chức. Lại nói về chuyện từ chức, đối với nhiều quốc gia đây là việc hết sức bình thường bởi đó là văn hóa, là lòng tự trọng, trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội. Xây dựng văn hóa từ chức phải bắt đầu từ quá trình minh bạch và sòng phẳng trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí công tác, được pháp luật quy định. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc từ chức còn hết sức mới mẻ, do đó việc lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là một kênh quan trọng để các cá nhân đang đảm nhiệm những công việc nhất định có thể nhìn nhận lại mình có xứng đáng với vị trí đang giữ.

Ấy vậy mà từ đầu năm tới nay lại có chuyện khá lạ, đó là hàng loạt cá nhân đang giữ những vị trí quan trọng ở các ngân hàng xin từ nhiệm. Sau khi hàng loạt CEO (tổng giám đốc) viết đơn từ chức thì mới đây nhất là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) Trần Xuân Giá và các Phó Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang; Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Phạm Trung Cang... cũng xin thôi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo. Tại sao đó lại là chuyện lạ, chuyện bất bình thường? Đi ngược thời gian, trước đây đã có không ít vụ việc làm tốn giấy mực của các cơ quan thông tin đại chúng về những chuyện đấu đá, lục đục, thậm chí có vụ còn dùng cả "xã hội đen" để giải quyết các mâu thuẫn về quyền lực trong nội bộ… Tóm lại là có những "cái ghế" quan trọng trong hệ thống ngân hàng mà nhiều người muốn ngồi. Vậy mà "đùng" một cái nhiều người lại xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe, lý do cá nhân, hoặc cần tập trung thời gian để giải quyết việc riêng… Tóm lại là những lý do rất… tế nhị chứ không phải do năng lực của họ không đảm đương nổi trách nhiệm tại những vị trí công tác ấy. Đó chính là điều bất bình thường, là vấn đề mà dư luận chú ý. Đã có những vụ việc dù có người xin từ nhiệm nhưng sau đó vẫn bị cơ quan điều tra "hỏi thăm" về một số sai phạm trong khi họ đảm nhiệm cương vị lãnh đạo như trường hợp Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải. Do đó, việc từ chức, từ nhiệm trong nhiều trường hợp được dư luận hiểu không phải là sự thể hiện lòng tự trọng, thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với xã hội như đã nêu trong "văn hóa từ chức". Nhiều khi người ta từ chức, từ nhiệm là để thoái thác, rũ bỏ trách nhiệm, tìm cách "hạ cánh an toàn" hay "bỏ của chạy lấy người" chứ ở những vị trí "trên cao" ấy đâu phải ai muốn ngồi vào ghế là được. Lại có ý kiến còn cho rằng, giờ là lúc họ "nhè" ra những "khúc xương" khó gặm, khó nuốt trôi khi thời gian tới những bất cập, những lỗ hổng trong quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng sẽ được rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng để loại bỏ…

Bình thường và bất bình thường trong việc từ chức, từ nhiệm là như vậy. Cùng một hành vi nhưng bản chất vấn đề là rất khác biệt. Do đó không thể đánh đồng mọi cuộc từ chức, từ nhiệm đều xuất phát từ ý thức, động cơ giống nhau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình thường và bất bình thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.