(HNMO) - Ngày 3/4, đồng loạt nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về việc cơ quan chức năng vừa qua đã phá án một nhóm người trộm cắp cước viễn thông trên địa bàn Hà Nội.
Ảnh minh họa. |
Theo thông tin được đăng tải trên báo chí, đối tượng Nguyễn Văn Long được đăng ký và đứng tên 550 SIM thuê bao di động trả sau của Viettel và việc này là sai quy định. Trên thực tế, số SIM này được cấp phát trên cơ sở Hợp đồng Cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được ký kết ngày 8/8/2012 giữa Công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) – Bên B - và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viễn thông Văn Long – Bên A - do Nguyễn Văn Long là Giám đốc. Như vậy theo Viettel, đây là số SIM thuê bao đi động trả sau được cấp phát cho một tổ chức chứ không phải cho một cá nhân.
Ngoài ra cũng theo đại diện của Viettel, một số cơ quan báo chí còn đặt vấn đề về việc cơ quan này đã vi phạm “quy định hiện hành, mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim tại mỗi mạng di động”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại cơ quan quản lý chưa có văn bản nào quy định về việc giới hạn số lượng SIM thuê bao di động trả sau được phép cấp phát cho mỗi cá nhân, tổ chức. Việc đặt câu hỏi như trên có thể do hiểu nhần quy định tại Điều 9, Thông tư Quản lý thuê bao di động trả trước số 04/2012/TT-BTTTT do Bộ TT&TT: “mỗi một cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa ba (03) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động. Trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa một trăm (100) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.