(HNMO) - Sáng 30-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải làm việc với Huyện uỷ Gia Lâm về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2016.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. |
Cùng dự cuộc làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Vũ Đức Bảo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của huyện, đồng chí Nguyễn Huy Việt, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho biết, 8 tháng đầu năm, kinh tế duy trì ổn định và phát triển khá. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 9,72% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 124,1% dự toán Thành phố và huyện giao. Giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động, đạt 61,9% kế hoạch.
Công tác quản lý đất đai, môi trường, nước và khoáng sản được tăng cường. Tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng 22 dự án với diện tích đất bàn giao cho chủ đầu tư 27,7/52,6ha, bằng 52,7%. Đã cấp phép xây dựng 273 công trình, kiểm tra 714 công trình, phát hiện và xử lý 63 công trình vi phạm về trật tự xây dựng.
Đối với công tác xây dựng Đảng, đã hoàn thành xây dựng và triển khai 6 chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2015 – 2020 và đang hoàn thiện các đề án cụ thể hóa các chương trình công tác của cấp ủy. Đã điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 29 đồng chí cán bộ; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khiển trách 4 đảng viên…
Tại buổi làm việc, huyện Gia Lâm kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác xây dựng Đảng cho các Đảng bộ trực thuộc. Xem xét, phê duyệt 7 dự án sử dụng ngân sách thành phố; chấp thuận và phê duyệt lại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Dư – Dương Xá; chấp thuận và cho phép sử dụng nguồn vượt thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng.
Sớm xem xét và có cơ chế đặc thù nghiên cứu, kết nối các trạm cấp nước trên địa bàn trở thành mạng khép kín và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Đáng chú ý, để giải quyết vấn đề úng ngập, sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Phù Đổng; tăng cường công tác duy tu duy trì thường xuyên, kiên cố hóa hệ thống sông, kênh mương như sông Cầu Bây, sông Thiên Đức, sông Giàng và nạo vét, kiên cố hóa kênh tiêu 7 xã khu Bắc Đuống…
Gia Lâm kiến nghị thành phố cho phép huyện được hưởng phần kinh phí nộp về ngân sách thành phố với số tiền 325,5 tỷ đồng để đầu tư các công trình bức xúc trên địa bàn như hoàn thành tuyến đường 181 từ Quốc lộ 5 đến hết địa bàn Gia Lâm; cải tạo, nâng cấp đoạn đường giao thông 179 từ dốc đê Văn Giang đến bến phà Văn Đức; cải tạo, mở rộng nút giao Trâu Quỳ - Quốc lộ 5… Đẩy nhanh tiến độ một số dự án hạ tầng khung Thành phố như tuyến đường từ Cầu Giang Biên – Quốc lộ 3 mới, tuyến đường trực thông từ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua đường vành đai 3 sang quận Long Biên….
Góp ý với huyện Gia Lâm, các đại biểu nhấn mạnh đến việc huyện quan tâm để vừa phát triển sản xuất, vừa sản xuất kinh doanh, vừa phát triển du lịch. Trong đó, quan tâm dành quỹ đất cho phát triển thương mại để sau này khi trở thành quận có điều kiện để phát triển. Đồng thời đầu tư hạ tầng khung để thu hút xã hội hóa và thu hút nhà đầu tư…
Các đại biểu nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phấn đấu trong năm 2018 xong các tiêu chí nông thôn mới. Quan tâm vấn đề đê điều, nhất là vấn đề khai thác cát tại các dòng sông. Đáng chú ý, đẩy nhanh các công trình đấu giá đất thì triển khai các dự án mới nhanh được…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả mà huyện Gia Lâm đã đạt được. Trong đó, thành công nhất là đã huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ. Và trong nông nghiệp thì tốc độ chuyển dịch cơ cấu theo hướng sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn nên đã xây dựng được một số vùng chuyên canh và phát triển một số mô hình về chăn nuôi là rất đáng ghi nhận.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng lưu ý những hạn chế, khuyết điểm Gia Lâm còn tồn tại và đề nghị huyện phải nhìn thẳng vào thực tế, phân tích nguyên nhân, tìm biện pháp để khắc phục. Đó là tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chưa mạnh mẽ, việc áp dụng khoa học công nghệ còn thấp. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều vi phạm trật tự xây dựng, đất đai chưa được xử lý. Vai trò, trách nhiệm một số cấp ủy, tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chưa tốt…
Trong phát triển làng nghề gốm sứ Bát Tràng, muốn cạnh tranh đứng vững trên thị trường, các sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu rộng lớn, cạnh tranh được với “người khổng lồ” về gốm sứ như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Với vị trí địa chính trị quan trọng, với lợi thế Gia Lâm, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị, trong thời gian tới, Gia Lâm tập trung xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 3 về phòng chống tham nhũng lãng phí và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý, huyện cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Huyện cần có cơ chế mạnh hơn để thu hút, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thông thoáng thủ tục; thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời chỉ đạo quyết liệt xây dựng nông thôn mới, tập trung huy động nguồn lực, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí cơ bản. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí “động”, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường, an ninh nông thôn. Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của huyện.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của huyện, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, đối chiếu, giải quyết theo hướng giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Gia Lâm từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển nhanh, đồng bộ, sớm trở thành trung tâm mở rộng phía Đông của Thành phố…
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã dâng hương tại đền Phù Đổng và thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.