Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh do con người!

Dục Tú| 12/05/2011 06:48

(HNM) - Những ngày này, ngành y tế liên tục phát ra lời cảnh báo, rằng thời tiết nắng nóng là điều kiện phát sinh nhiều dịch bệnh như ho, cúm các loại, sốt phát ban, tả, sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả…


Từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH ở Hà Nội tăng 20%; cả nước đã có hơn 13.000 ca mắc SXH và số tử vong tăng 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2010. Đã có thông báo về bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn ở heo xâm nhập cơ thể người qua các vết trầy xước, ăn tiết canh... gây viêm màng não và nhiễm trùng huyết khiến người bệnh có thể tử vong, có điều trị thành công cũng dễ để lại những di chứng nặng nề…

Các bác sĩ nói rằng bệnh mùa hè nhiều lắm, đáng sợ lắm, ngày càng phức tạp. Nhưng có lẽ nói "bệnh mùa hè" có ý nghĩa khu biệt khoảng thời gian thường xảy ra loại dịch bệnh nhất định so với các bệnh thường thấy ở mùa khác, chứ không bao hàm ý chỉ nguyên nhân gây dịch bệnh. Thời tiết là thủ phạm chính của một số bệnh, như vào hè oi ả thì tất yếu có người mắc bệnh về hô hấp, mùa hạ là tác nhân quan trọng làm SXH phát dịch… Nhưng không phải điều gì cũng đổ tại thời tiết được. Theo chuyên gia y tế, một trong số bốn loại bệnh có xu hướng tăng trong năm nay là tả. So với các loại bệnh về hô hấp, SXH và thậm chí là liên cầu lợn, bệnh tả chịu sự tác động trực tiếp từ ý thức tiêu dùng của nhân dân và giải pháp quản lý - đặc biệt là về công tác bảo đảm ATVSTP.

Vậy thì Việt Nam có thể bảo đảm ATVSTP ở mức nào?

Báo cáo kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm ATVSTP giai đoạn 2006 - 2010 cho thấy dấu hiệu khả quan. 76,5% cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống được kiểm tra đạt tiêu chuẩn ATVSTP; 100% số tỉnh, thành phố thành lập Chi cục ATVSTP; 79,4% người sản xuất, 73% người kinh doanh và 84,5% người tiêu dùng thực hành đúng về ATVSTP... Tuy nhiên, thực tế có những điểm khác, rất đáng ngại. Theo báo cáo gần đây của Cục ATVSTP, trên 80% số mẫu dụng cụ ăn uống ở các quán ăn là bẩn; 67% số thịt quay được kiểm nghiệm có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xường bị nhiễm vi khuẩn; 88% nem chạo, nem chua, giò, chả có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa chất ngoài danh mục cho phép. Số liệu điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 24-36 tháng tuổi ở các trường mầm non Hà Nội của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 12 loại thực phẩm có tỷ lệ nhiễm chì và asen rất cao - điều có thể làm cản trở quá trình chuyển hóa của tế bào não, gây khó cho việc phát triển tư duy của trẻ….

Nhiều bệnh, nặng hay nhẹ, thành dịch hay không là do con người. Như dịch tả, từ đầu năm tới nay đã rõ dấu hiệu ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương, nguy cơ lan rộng là rất lớn. Mầm mống dịch được tiếp sức bởi hệ thống hàng rong mà nhiều chuyên gia y tế thừa nhận là "không thể kiểm soát nổi". Lâu nay, người ta vẫn nói lực lượng làm công tác kiểm tra, kiểm soát việc bảo đảm ATVSTP rất mỏng, đội ngũ y tế cũng vậy. Nhưng, đó có phải nguyên nhân cơ bản khiến chúng ta bó tay, ở mức độ nào đó, trước sự an nguy của cộng đồng?

Luật ATTP có hiệu lực từ tháng 7 tới. Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật ATTP cũng đang được hoàn thiện. Chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này đã kết thúc giai đoạn thực hiện 2006-2010. Những điều cơ bản để công tác bảo đảm ATVSTP phát huy hiệu quả đều có trong luật, chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ có điều là chất lượng thực hiện phụ thuộc vào cơ quan tổ chức thực hiện cụ thể.

Chưa nói điều to tát, chỉ nhìn vào những gì vẫn có ở những gánh hàng rong, hệ thống quán xá vỉa hè, chợ cóc… là đủ thấy những người có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thực hiện phận sự thế nào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh do con người!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.