Luận đàm thời sự

Bất đồng hay bất chấp?

Đại sứ Trần Đức Mậu 23/01/2024 - 07:29

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ chủ trương của phía Mỹ về việc thành lập nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với nhà nước Israel.

Vị thủ tướng này đồng thời còn phản bác quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng vẫn có thể đạt được giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine với nội dung cốt lõi và then chốt là thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ ở khu vực Trung Đông.

Ở đây có hai điều đáng được chú ý trước hết. Thứ nhất, chưa bao giờ kể từ trước đến nay, sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Israel về định hướng giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine lại mang tính nguyên tắc cơ bản và bộc lộ công khai đến mức độ như vậy. Mỹ vốn là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Israel và là sự bảo đảm an ninh cho Israel. Vậy mà bây giờ, ông B.Netanyahu lại đưa ra quan điểm chẳng khác gì "vuốt mặt không nể mũi" đối với Mỹ. Thiên hạ không thể đặt ra câu hỏi ông B.Netanyahu chủ ý thể hiện bản lĩnh trong quan hệ với Mỹ hay tự tin đến mức dám bất chấp Mỹ.

Thứ hai, ông B.Netanyahu đã thay đổi hoàn toàn quan điểm khi tuyên bố không chấp nhận và không để cho hình thành nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ. Hồi năm 2009, nhà lãnh đạo này còn quả quyết ủng hộ "Giải pháp hai nhà nước", tức là giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, bao hàm việc thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ. Ông B.Netanyahu thay đổi quan điểm không có nghĩa là không còn có thể đạt được giải pháp này mà việc đạt được nó chỉ không khả thi chừng nào ông B.Netanyahu còn cầm quyền ở Israel.

Sau khi công khai đối kháng quan điểm như thế với Mỹ và với ông Biden, ông B.Netanyahu vấp phải thái độ không hài lòng và thất vọng của các đồng minh quan trọng nhất lâu nay của Israel ở châu Âu và sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện quan hệ của Israel với các quốc gia trong thế giới Arab. Ở trong cũng như ngoài khu vực Trung Đông hiện đã xuất hiện luồng quan điểm cho rằng ông B.Netanyahu cho tới thời điểm bùng phát lần chiến tranh hiện tại giữa Hamas và Israel chủ trương dùng sự đối địch giữa Hamas và Israel để chia rẽ nội bộ Palestine, từ đó làm cho không thể hình thành được nhà nước Palestine độc lập.

Bây giờ, số phận và tương lai chính trị của Thủ tướng Israel phụ thuộc vào việc có xóa sổ được Hamas và có giải cứu được các con tin hay không. Nếu không đạt được cả hai mục tiêu này, ông B.Netanyahu chắc sẽ không thể giữ được cương vị cầm quyền hiện tại. Vì thế, người này chủ trương tiếp tục chiến tranh cho tới khi Hamas phải chịu đầu hàng cũng như áp đặt tương lai cho Dải Gaza sau chiến tranh, theo những điều kiện tiên quyết của Israel chứ không chấp nhận việc thành lập nhà nước Palestine độc lập.

Ông B.Netanyahu công khai không nể mặt ông Biden còn có lý do nữa là tính đến và chờ kịch bản quyền lực mới ở nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống tới. Có vẻ, người này kỳ vọng ông Biden sẽ thất cử và cựu Tổng thống Donald Trump sẽ trở lại trị vì nước Mỹ.

Ông B.Netanyahu toan tính như thế và hệ lụy trước mắt là những lực lượng, tổ chức đối địch Israel sẽ càng quyết tâm đối địch với Israel cả về chính trị, pháp lý quốc tế lẫn quân sự và an ninh. Thêm nữa là sự ủng hộ của thế giới dành cho "Giải pháp hai nhà nước" sẽ gia tăng bởi thế giới càng đồng thuận nhận thức rằng chỉ có giải pháp ấy mới có thể đưa lại hòa bình, an ninh và ổn định thật sự và lâu bền cho Israel, Palestine và khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất đồng hay bất chấp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.