Điều đáng chú ý hơn cả ở việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh ban hành học thuyết hạt nhân mới được sửa đổi của Nga không phải ở nội dung mới được bổ sung hay được sửa đổi, mà là thời điểm thực hiện việc này.
Lý do ở chỗ, những nội dung của học thuyết hạt nhân sửa đổi thực chất là chiến lược hạt nhân mới này của Nga vốn đã được công bố từ cách đây mấy tháng. Và người đứng đầu nước Nga ký sắc lệnh ban hành nó gần như ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden - không đầy 2 tháng trước khi rời nhiệm sở để nhường lại Nhà Trắng cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm trung và tầm xa được Mỹ cung ứng để không kích vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Với học thuyết hạt nhân sửa đổi này, phía Nga hạ thấp rào chắn việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào những bên xâm hại an ninh và chủ quyền của Nga.
Cụ thể là, Nga sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm cả vào bên không có vũ khí hạt nhân nhưng tấn công Nga bằng những nguồn lực và vũ khí được bên thứ ba có vũ khí hạt nhân cung ứng. Tuy không đề cập rõ ràng, nhưng học thuyết hạt nhân sửa đổi này ám chỉ đến Mỹ, Anh và Pháp cũng như hạ mức độ rào cản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong mối liên hệ đến cuộc chiến dai dẳng hơn 1.000 ngày nay ở Ukraine.
Có thể thấy, phía Nga đã phản ứng việc Mỹ và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác tiếp tục bước qua hết lằn ranh đỏ này đến lằn ranh đỏ khác mà Nga đã đặt ra liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine bằng cách vừa gia tăng mức độ cảnh báo và răn đe hạt nhân; qua đó, khẳng định sẵn sàng hành động thật sự chứ không phải cảnh báo.
Với việc ký và ban hành sắc lệnh về học thuyết hạt nhân sửa đổi này, ông V.Putin đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết theo luật pháp ở Nga cho việc triển khai thực thi nó trên thực tế. Cũng có thể hiểu là sự đáp trả quân sự bằng sử dụng cả vũ khí hạt nhân giờ đã sẵn sàng. Thời điểm và bối cảnh tình hình vì thế làm gia tăng mạnh mẽ ý nghĩa và hiệu ứng chính trị, tâm lý và cả quân sự của việc ông V.Putin ký sắc lệnh ban hành chiến lược hạt nhân mới.
Dù vậy, sử dụng vũ khí hạt nhân lại là chuyện khác. Mỹ cùng NATO và đồng minh cũng như cả Ukraine hiện đều cho rằng, Nga chỉ gia tăng căng thẳng vậy chứ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân. Những cuộc không kích của Ukraine với tên lửa tầm xa của Mỹ và rồi đây của cả các đồng minh khác vào sâu bên trong lãnh thổ Nga sẽ gây tổn thất không nhỏ cho Nga nhưng chưa đe dọa an ninh và chủ quyền của nước Nga đến mức buộc phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
Hơn nữa, một khi vũ khí hạt nhân - cho đến nay mới được Mỹ sử dụng hồi tháng 8-1945 để hủy diệt thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản - được sử dụng ở châu Âu thì cả châu Âu sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì Ukraine.
Nga hiện đang có nhiều lợi thế và có vẻ như đang thắng thế trên chiến trường ở Ukraine nên chắc chắn chưa cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
Cho nên, thông điệp của ông V.Putin xem ra chỉ có thể là nhắc nhở Mỹ và đồng minh chớ coi thường quyết chí của Nga mà phải ý thức được về giới hạn trong hành động để tránh kịch bản khủng khiếp nhất có thể xảy ra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.