Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức ở thủ đô Baku của Azerbaijan chưa khai mạc đã bị phủ "bóng đen" bởi kết quả cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 5-11 trước đó ở nước Mỹ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trở lại cầm quyền ở nước Mỹ. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, người này chỉ có thể cầm quyền ở Mỹ trong thời gian 4 năm tới.
Vì không còn được tái ứng cử lần nữa, ông D.Trump tới đây nhiều khả năng sẽ thực thi những quan điểm chính sách đối nội và đối ngoại cực đoan, thái quá và khó lường hơn so với ở nhiệm kỳ đầu tiên, ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách và hành động của Mỹ trên lĩnh vực bảo vệ khí hậu trái đất.
Rất có thể, ông D.Trump sẽ lại rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên hợp quốc về bảo vệ khí hậu trái đất và thậm chí còn có thể ra khỏi cả Công ước khung của Liên hợp quốc năm 1992 về bảo vệ khí hậu trái đất - văn kiện có giá trị pháp lý quốc tế bao trùm cả Hiệp ước Paris nói trên của Liên hợp quốc.
Trong quá trình vận động tranh cử, ứng cử viên của đảng Cộng hòa này đã cam kết là khuyến khích giới kinh tế ở Mỹ khai thác dầu lửa và than đá, khích lệ người dân tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ và giảm mọi đóng góp về chính trị, công nghệ và đặc biệt là tài chính cho công cuộc của cả thế giới về chống biến đổi khí hậu trái đất.
Tại Baku, các bên tham gia Hội nghị COP29 phải trực diện với nhiều khó khăn và thách thức mới bên cạnh những khó khăn và thách thức dai dẳng lâu nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Mục đích của hội nghị là tìm kiếm nguồn tài chính để chi cho các giải pháp và dự án về bảo vệ khí hậu trái đất trên thế giới cho thời kỳ từ năm 2025.
Với sự trở lại của ông D.Trump, nước Mỹ trở nên không còn đáng tin cậy và không thể trông cậy được nhiều nữa trong công cuộc này. Tức là các bên tham dự khác phải đồng thuận quan điểm với nhau sâu rộng hơn và phải phối hợp hành động với nhau hiệu quả hơn.
Nhu cầu tài chính cho công cuộc nói trên rất lớn trong khi các nước giàu và phát triển lại chỉ cam kết đóng góp chung chung chứ không cụ thể và việc thực hiện cam kết cho đến nay lại còn chưa đầy đủ. Khắc phục tình trạng này là bài toán về đáp ứng nhu cầu tài chính, cụ thể hóa cam kết tài chính của các nước giàu và phát triển cũng như thôi thúc các nước này thực thi đầy đủ cam kết nan giải nhất của Hội nghị COP29 ở Baku. Các thành viên tham dự phải xác định tâm thế là cho dù còn khó khăn đến đâu thì vẫn phải cùng nhau tiến bước trong công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất, kể cả khi nước Mỹ ở thời ông D.Trump cầm quyền bất hợp tác, thậm chí rút hoàn toàn ra khỏi công cuộc này. Những nền kinh tế lớn của thế giới như Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cùng với các nền kinh tế mới nổi giờ phải đồng hành với nhau và phải đảm trách vai trò đi tiên phong.
Hội nghị COP29 không dễ thành công nhưng chắc chắn sẽ đạt được thành quả nhất định. Cũng có không ít dấu hiệu để vẫn có thể lạc quan. Bước chuyển sang thời đại mới trên lĩnh vực sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn thế giới được tiếp tục mạnh mẽ và đã trở nên không còn có thể bị đảo ngược.
Thế giới đến nay đã xác định nhận thức rằng: Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất, nhưng cho dù không có sự tham gia tích cực và hiệu quả của Mỹ nữa thì công cuộc này sẽ vẫn được thế giới kiên định tiếp tục thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.