Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ đào tạo nguồn nhân lực

Tuệ Diễm| 07/11/2016 06:54

(HNM) - Điện ảnh nước ta chưa thể sánh với các nước trong khu vực, nếu không muốn nói là tụt hậu quá xa. Phim của Việt Nam sản xuất vẫn chưa bước ra thế giới, trong khi dòng phim ngoại ồ ạt nhập về.


Dù thị trường điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây khá sôi động, chất lượng phim có tăng lên, nhưng vẫn chưa có những tác phẩm ngang tầm khu vực. Trong khi đó, điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đang tràn ngập trên sóng truyền hình nước ta. PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, phim Việt đang mất thị trường chính trên "sân nhà" và nếu tình trạng này kéo dài thì điện ảnh trong nước sẽ đi vào ngõ cụt. Theo ông Kim, đây không còn là vấn đề của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch mà ngay cả hệ thống đào tạo ngành sân khấu - điện ảnh cũng phải vào cuộc.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Hiệp



Một phần nguyên nhân khác khiến chất lượng điện ảnh Việt Nam tụt hậu còn do chất lượng đào tạo chưa theo kịp với sự hội nhập của quốc tế. Điển hình, theo chia sẻ của đạo diễn Đoàn Dũng (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) thì công tác đào tạo nguồn nhân lực của điện ảnh Việt Nam rất khó khăn và lạc hậu.

"Ngay như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh không có lấy một thư viện phim. Trong khi đó, cá nhân anh Lưu Ngọc Quỳnh (ở Hà Nội) có thư viện phim với 20.000 đầu phim từ cổ chí kim. Sinh viên phải học chay, cũng không có điều kiện để nghiên cứu tư liệu thì lấy đâu ra học tập và sáng tạo”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo PGS.TS Trần Luân Kim, kinh tế eo hẹp là rào cản lớn khiến sinh viên không thể hội nhập, giảng viên không được cập nhật kiến thức mới, dẫn đến giáo trình cũ vẫn dùng từ năm này qua năm khác. Tại các nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Mỹ thì giáo trình điện ảnh cập nhật liên tục và theo sự phát triển của công nghiệp điện ảnh thực thụ.

Hiện ở Việt Nam có 5 trường công lập đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới điện ảnh, truyền hình, đó là: Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng Truyền hình, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2. Trong 5 trường nói trên, chỉ có 2 trường đại học tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trực tiếp đào tạo nhân lực cho điện ảnh.

Chính bởi chất lượng đào tạo trong nước không thể đáp ứng, nhiều diễn viên có tên tuổi ở Việt Nam phải tự bỏ kinh phí ra nước ngoài học tập. Mới đây, sau thành công của bộ phim Tấm Cám, đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng gấp rút qua Mỹ học làm phim để chuẩn bị cho một dự án phim Việt Nam. Còn sinh viên khởi điểm với điện ảnh cũng lựa chọn sang du học tại các nước như Thái Lan, Hàn Quốc để đầu tư công nghệ làm phim, công nghệ sản xuất truyền hình.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, điện ảnh vừa là bộ môn tổng hợp các ngành khoa học xã hội, vừa rất cần sự góp sức phát triển của khoa học kỹ thuật. Còn ở nước ta, đào tạo điện ảnh tách riêng với các trường nghệ thuật, khoa học xã hội nhân văn, kỹ thuật dẫn đến bị cô lập, sức mạnh liên ngành vì thế mà giảm sút.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ đào tạo nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.