Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có giải pháp mới để giúp điện ảnh Việt Nam vươn mình

An Định| 13/11/2022 05:34

(HNMCT) - Bên cạnh số ít phim có doanh thu phòng vé ấn tượng, điện ảnh Việt trong thời gian qua ghi nhận rất nhiều bộ phim thảm bại về doanh số. Cuộc chơi điện ảnh luôn khắc nghiệt, sau đại dịch Covid-19 lại càng nhiều thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp mới để giúp điện ảnh Việt Nam vươn mình.

Đến thời điểm hiện tại, “Em và Trịnh” vẫn là phim Việt đạt doanh thu cao nhất. Ảnh: Nam Phong

Quá nửa là lỗ nặng

Dư luận thường quan tâm đến những bộ phim “vua phòng vé” nhưng bức tranh điện ảnh lại không chỉ có những gam màu vui. Số bộ phim thua lỗ còn nhiều hơn những bộ phim hòa vốn hoặc có lãi.

Một khảo sát mới đây dựa trên số liệu của Box Office Vietnam cho thấy: Trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, số lượng phim bị lỗ vào khoảng 54 phim. Năm 2019 dù là năm có nhiều bộ phim đoạt doanh thu cao nhưng cũng có 28 phim báo lỗ; năm 2020 có 16 phim và năm 2021 có 10 phim báo lỗ. Tỷ lệ phim lỗ trên tổng số phim ra rạp cao nhất trong hai năm 2020 và 2021 bởi đây là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và số lượng phim ra rạp chỉ bằng 1/2, 1/3 các năm trước.

Tại Hội thảo khoa học "Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021", nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn đưa ra con số: “Số lượng phim điện ảnh Việt năm 2019 là 42 phim. Kinh phí trung bình là 15 tỷ đồng/phim, như vậy tạm tính tổng kinh phí phim Việt là 630 tỷ đồng. Theo thông lệ thì nhà sản xuất sẽ được nhận khoảng 45% doanh thu phòng vé của bộ phim. Như vậy, nếu tính cả 42 phim thì doanh thu phòng vé để đạt điểm hòa vốn là 1.400 tỷ đồng”. Một bộ phim được đầu tư ở mức trung bình là 15 tỷ đồng/phim thì phải thu được khoảng 30 tỷ đồng để đạt điểm hòa vốn. Tiếc thay, con số phim không đạt được điểm hòa vốn trung bình lại rất cao, và quá nửa trong số đó có doanh thu cực kỳ thấp.

“Trong số 27 bộ phim có doanh thu dưới 30 tỷ đồng năm 2019, có tới 18 phim có doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng, chiếm 67%; 2 phim có doanh thu 4 - 5 tỷ đồng, 3 phim có doanh thu 6 - 9 tỷ đồng, 3 phim có doanh thu 10 - 11 tỷ đồng và chỉ có 1 phim có doanh thu 24 tỷ đồng. Tính trung bình, các nhà sản xuất 18 phim có doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng đã lỗ 258 tỷ đồng. Các nhà sản xuất của 9 phim doanh thu từ 4 - 24 tỷ đồng lỗ 94 tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng là 352 tỷ đồng, tương đương với 56% tổng vốn đầu tư vào phim Việt Nam trong năm 2019 không thể thu hồi” - ông Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh.

“Quỹ đạo bay” chưa ổn định

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, các doanh nghiệp này được gọi là “hãng phim”. So với con số khoảng 50 hãng phim vào những năm 2000 thì số lượng hãng phim đã tăng đến 10 lần. Còn về sự tăng trưởng của phim Việt Nam, theo thống kê của Cục Điện ảnh, từ năm 2009 đến năm 2014, mỗi năm Việt Nam sản xuất 15 - 25 phim, chiếm khoảng 15% tổng số phim chiếu rạp; năm 2015, số phim được sản xuất có mức tăng đột phá, lên 42 phim. Những năm tiếp theo, năm 2016 sản xuất được 41 phim truyện điện ảnh, năm 2017 chững lại - được 38 phim, năm 2018 vẫn là 38 phim và năm 2019 là 41 phim.

Điều đáng tiếc là điện ảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid trong 2 năm 2020-2021. Việc sản xuất phim ngưng trệ, nhiều dự án buộc phải hoãn, hủy nên số lượng phim giảm, năm 2020 chỉ có 34 phim. Rạp chiếu phim đóng cửa triền miên, mới mở lại dần dần trong năm 2022, theo đó, doanh thu chiếu phim giảm sút nghiêm trọng. Năm 2020, doanh thu chỉ đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ nhưng về bức tranh chung, theo nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn: “Tất cả những dao động kịch tính này chứng tỏ rằng sau hơn một thập niên phục sinh từ đống tro tàn, cánh chim phượng hoàng của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn chưa tìm được một quỹ đạo bay thực sự ổn định. Sự bất định đó làm cho bất kỳ dự đoán lạc quan nào về một sự phát triển bền vững cũng trở nên không chắc chắn, ít nhất là trong tương lai gần. Và, dịch Covid-19 xảy ra đã hoàn toàn chứng minh sự yếu kém về nội lực của ngành Điện ảnh, khi không đủ sức hồi phục nhanh chóng ngay cả khi có những bộ phim đạt doanh thu khoảng 180 tỷ đồng như “Tiệc trăng máu” (2020), thậm chí 400 tỷ đồng như “Bố già” (2021)”.

“Cô gái từ quá khứ” là một trong số nhiều bộ phim ra rạp năm 2022 được kỳ vọng nhưng chưa đạt được thành công. Ảnh: Nam Phong

Đòi hỏi những chuyển động mới

Dẫu có không ít thất bại cũng như chưa có được một quỹ đạo phát triển ổn định, song điện ảnh vẫn được định hướng phát triển thành một ngành công nghiệp bởi khả năng “hái ra tiền”. Mức độ tăng trưởng của điện ảnh Việt trong những năm qua được đánh giá vào hàng cao trong khu vực.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan: Ở lĩnh vực phát hành và phổ biến phim, trong một thập niên qua, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nóng trên thế giới với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chỉ tiêu đến năm 2020, ngành Điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD) nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu này vào năm 2018 (tổng doanh thu 155 triệu USD); doanh thu phim Việt năm 2018 cũng đạt chỉ tiêu của năm 2020 (khoảng 50 triệu USD). Đến năm 2019, tổng doanh thu vượt thêm gần 20% (176 triệu USD) so với chỉ tiêu trong Chiến lược.

Có một thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh là cơ hội quan trọng cho các nhà làm phim trong nước. Như vậy, vấn đề của điện ảnh Việt là làm sao để nâng được tỷ lệ phim thành công để kích thích các nhà sản xuất, thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó tạo ra sự thành công bền vững.

Về mặt tâm lý, nhiều nhà làm phim cho rằng, việc có phim “gãy” là thực tế mà nhà làm phim phải chấp nhận, phải nhìn thẳng vào sự thật để rút ra bài học kinh nghiệm qua mỗi bộ phim. Dù xuất thân từ một ca sĩ, song Lý Hải được đánh giá là một trong những nhà sản xuất, đạo diễn phim rất hiểu thị hiếu của công chúng Việt hiện nay. Bằng chứng là chuỗi 5 phim “Lật mặt” của anh là chuỗi phim điện ảnh ăn khách nhất rạp Việt, thu tổng cộng hơn 500 tỷ đồng và đang chuẩn bị cho ra mắt phần 6. Lý Hải luôn nhìn thẳng vào các vấn đề của điện ảnh Việt để khắc phục và tìm lối đi riêng đến với khán giả của mình, dù có khi anh khiêm tốn tự nhận “phim Lý Hải lúa lúa”.

Nói về những bộ phim thất bại, Lý Hải cho rằng: "Không chỉ riêng phim Việt mới có phim thảm họa mà quốc tế cũng có rất nhiều. Những phim nước ngoài nhập về Việt Nam chiếu là những phim ăn khách và nổi tiếng rồi, đâu có ai dại nhập phim thảm họa về chiếu. Cứ 10 phim quốc tế thì trung bình có 7 phim "gãy", cũng như ở Việt Nam vậy, chỉ có 3 phim thành công, mức độ từ hòa vốn đến có lời. Thế nên mọi người cứ nghĩ Việt Nam mình nhiều phim thảm họa quá, nhưng những phim quốc tế mình xem thì không chỉ hạng A mà hạng B, C, D cũng có rất nhiều". Ông Nguyễn Khánh Dương - nhà sáng lập trang thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam chia sẻ, đối với ông, thảm họa thật sự là khi chẳng còn ai mặn mà đầu tư vào phim Việt và không còn phim Việt nào trên thị trường nữa.

Các giải pháp tổng thể đã được giới chuyên môn đưa ra và bàn thảo trên nhiều diễn đàn. Về mặt chính sách, theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, cần đưa ra chính sách ưu đãi trong sản xuất phim với mục tiêu là sản xuất nhiều bộ phim có giá trị nội dung và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục chân - thiện - mỹ. Cụ thể, cần có ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc Nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim tốt hơn. Tuy nhiên, câu chuyện sáng tạo vẫn là điều quan trọng nhất. "Cần phải có nhiều hơn những bộ phim Việt chất lượng. Nhiệm vụ chính của các nhà làm phim là từng bước tạo niềm tin nơi khán giả, khiến họ thay đổi thái độ với phim Việt bằng cách làm những bộ phim tốt hơn” - nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có giải pháp mới để giúp điện ảnh Việt Nam vươn mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.