Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu bằng hành vi ứng xử!

Mai Lâm| 03/12/2021 14:16

(HNMCT) - Buổi chiều một bữa nọ, khi đi làm về, lúc chuẩn bị rẽ vào ngách nhà mình, suýt nữa thì tôi va chạm với một bé gái chừng 6 tuổi phóng xe đạp rất nhanh từ phía trong lao ra. Định mắng vài câu nhưng thấy các cháu đang chơi đùa, thi nhau đạp xe cười vui vẻ, nhìn sang sân nhà văn hóa của tổ dân phố, thấy các ông bà, các bác đang sôi động thi đấu bóng chuyền hơi trong khung “giờ vàng” mỗi chiều, đành tặc lưỡi: May mà mình đi chậm, phanh kịp! Cũng do thiếu chỗ để chơi, nên vào buổi chiều, không ít cháu đã vào bãi đỗ xe ô tô gần đó nô đùa.

Dù đã được bảo vệ bãi xe nhắc nhở, hỗ trợ, nhưng mọi người ai nấy đều bảo nhau phải càng cẩn thận, quan sát kỹ mỗi khi ra vào bãi mà có trẻ đang chơi. Đó có lẽ chỉ là hai câu chuyện rất nhỏ đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật, rất gần mà đôi khi trong guồng quay hối hả chúng ta không để ý.

Thiếu chỗ vui chơi cho trẻ là một thực tế không dễ giải quyết, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay. Thế nhưng, trẻ sẽ có chỗ chơi nếu người lớn biết “hy sinh”, nhường nhịn sân nhà văn hóa cho trẻ trong khung “giờ vàng” mỗi buổi chiều. Trẻ cũng sẽ an toàn hơn, nếu các bậc phụ huynh chịu khó dành thời gian đưa con đi xa hơn (một chút thôi) tới công viên, vườn hoa gần đó, thay vì chơi đùa ở bãi để xe. Không chỉ giúp trẻ an toàn hơn, vui vẻ hơn, hành vi đó của người lớn còn thấm vào trẻ mỗi ngày, giúp trẻ biết chỗ nào an toàn, chỗ nào để chơi, từ đó hình thành văn hóa ứng xử, cùng xây dựng xã hội văn minh, văn hóa hơn.

Cách đây 75 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng” và nhấn mạnh vị trí, ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật tới giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Chỉ chi tiết đó thôi đã có thể thấy tầm nhìn rất xa mà vô cùng gần gũi, nhân văn của Người, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Văn hóa, nhân cách của một con người được hình thành, vun đắp, chăm sóc từ bé với một hành trình kéo dài. Và người lớn chính là tấm gương để trẻ soi vào, học hỏi mỗi ngày. Bố mẹ không nêu gương, có hành vi ứng xử văn hóa, rất khó dạy bảo con những điều tốt đẹp. Hàng xóm không quan tâm, nhường nhịn, mà thường xuyên chành chọe, tranh giành, ứng xử thiếu văn hóa với nhau, rất khó để đám trẻ biết quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Người xưa đã dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Nơi mà trẻ dành nhiều thời gian gần nhất chính là gia đình và cộng đồng dân cư sở tại. Đừng đổ lỗi cho xã hội khi “Nhà kia lỗi phép, con khinh bố. Mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng.”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, “xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”. Mà văn hóa không chỉ là văn học, nghệ thuật, là thi ca, hò vè... mà bao gồm tất cả các hành vi, sản phẩm của con người, không chỉ liên quan tới tinh thần mà còn cả vật chất trong đời sống xã hội. Mỗi hành động, việc làm của từng cá nhân cũng góp phần xây dựng văn hóa của một dân tộc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa diễn ra đã đặt ra nhiều vấn đề và tìm ra những giải pháp để khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Rất nhiều ý kiến, tham luận cả tầm vĩ mô và vi mô được đề xuất, nhiều sáng kiến, giải pháp đầy tâm huyết được nêu ra, gửi gắm. Không quá nếu nói đây chính là “tấm gương khổng lồ” để tất cả cùng soi lại rồi tiếp bước nhằm “xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”.

Và để những ý tưởng tốt đẹp đưa ra tại hội nghị thấm đẫm, lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng, cần lắm những nhà quản lý văn hóa, những người nổi tiếng có hành vi ứng xử phù hợp làm gương cho giới trẻ mỗi ngày. Còn mỗi người chúng ta, đơn giản thôi, hãy bắt đầu bằng hành vi ứng xử văn hóa, biết nhường nhịn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường nhật!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu bằng hành vi ứng xử!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.