Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất bình đẳng vắc xin tại châu Mỹ: Rào cản trong chống dịch Covid-19

Thùy Dương| 07/11/2021 07:11

(HNM) - Trong khi châu Âu đang gia tăng trở lại các ca nhiễm mới Covid-19 thì tại châu Mỹ số ca mắc và tử vong do vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục giảm trong tuần thứ tám liên tiếp. Dù là tín hiệu tích cực nhưng Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Jarbas Barbosa cảnh báo, đây không phải là lý do để chủ quan hoặc ngừng các biện pháp y tế công cộng. Với hơn một nửa khu vực vẫn chưa được bảo vệ, sự bất bình đẳng về vắc xin phòng Covid-19 vẫn là một trong những rào cản hạn chế thành quả chống dịch của châu lục này.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân ở Haiti.

Theo thống kê của PAHO, các trường hợp nhiễm Covid-19 mới và tử vong ở châu Mỹ đã đạt mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Tuần trước, các quốc gia đã báo cáo hơn 745.000 trường hợp nhiễm Covid-19 mới và khoảng 18.000 ca tử vong. Ở Bắc Mỹ (Mỹ, Canada và Mexico) đều báo cáo số ca mắc và số ca tử vong giảm, điều này cũng diễn ra tương tự ở hầu hết các quốc gia thuộc Trung và Nam Mỹ.

Tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm được lý giải nhờ các chiến dịch tiêm chủng trên toàn khu vực. Ông Jarbas Barbosa nhận định, nhờ hệ thống tiêm chủng mạnh mẽ với 1,2 tỷ liều vắc xin Covid-19 phân phối tại châu Mỹ, 46% dân số nói chung hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Chile, Uruguay và Canada đã đạt được bước tiến lớn trong các chiến dịch tiêm chủng và đã giúp 3/4 dân số của họ có thể chống lại dịch bệnh này. Ít nhất 32 quốc gia trong khu vực đã đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 40% vào cuối năm 2021. 

Tuy nhiên, giới chức PAHO cũng cho biết, khoảng trống vẫn còn và đặc biệt là nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, gây ra nguy cơ bùng phát dịch nhiều hơn. Với hơn một nửa khu vực vẫn chưa được bảo vệ, sự bất bình đẳng về vắc xin phòng Covid-19 vẫn là một trong những thách thức lớn nhất ở châu lục này.

Các quốc gia nhỏ ở Caribe như Saint Kitts và Nevis, Barbados, Anguilla, Saint Vincent đang đạt tới đỉnh dịch lần đầu tiên với số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất. PAHO đã phối hợp chặt chẽ với tất cả các quốc gia này, đặc biệt là Haiti, Nicaragua, Jamaica, Guatemala…, những nước mới chỉ có khoảng 20% dân số được phủ sóng vắc xin. Do nguồn cung vắc xin hạn chế, ông Barbosa kêu gọi các nhà chức trách ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, nhân viên tuyến đầu và những người có bệnh nền để tránh cho hệ thống y tế rơi vào quá tải.

PAHO đang làm tất cả những gì có thể để tăng tốc độ tiêm chủng trong khu vực, bằng cách cung cấp liều lượng thông qua cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc xin phòng Covid-19” (COVAX). Qua cơ chế này, với sự hỗ trợ từ quỹ quay vòng của PAHO, đến nay, Mỹ Latinh và Caribe đã nhận được 64,3 triệu liều vắc xin. Khoảng 2,6 triệu liều đã đến được Venezuela, nơi hệ thống y tế đặc biệt mỏng manh, và dự kiến sẽ có nhiều nguồn cung hơn trong tháng 11 này.

Để bảo đảm khả năng tiếp cận vắc xin, PAHO đang vận động cho một chương trình mới đầy tham vọng nhằm mở rộng năng lực sản xuất vắc xin ở Mỹ Latinh và Caribe. Bước đầu tiên, một công ty tư nhân ở Argentina và một viện công ở Brazil đã được chọn làm trung tâm để phát triển và sản xuất vắc xin phòng Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA tiên tiến. Sáng kiến này sẽ là một phần của nền tảng rộng lớn nhằm phục vụ nhu cầu của toàn khu vực bằng cách liên kết năng lực giữa các quốc gia để tạo ra một chuỗi cung ứng dược phẩm.

Tiêm chủng kết hợp với các biện pháp y tế công cộng hiệu quả sẽ tạo thành chiến lược tốt nhất để giảm lây truyền Covid-19 và hạn chế nhiều trường hợp tử vong. Thế nên, nếu tình trạng bất bình đẳng vắc xin tại châu Mỹ vẫn còn thì sẽ không có quốc gia nào được thực sự an toàn khi dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất bình đẳng vắc xin tại châu Mỹ: Rào cản trong chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.