Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hộ trẻ em trong xung đột vũ trang: Thách thức mới từ đại dịch

Thùy Dương| 10/05/2021 07:06

(HNM) - Chiến tranh và xung đột vũ trang trên thế giới luôn là mối đe dọa trực tiếp đối với cuộc sống, tương lai của nhiều trẻ em. Với các chính phủ và tổ chức quốc tế, công tác bảo hộ trẻ em trong xung đột vũ trang vốn gặp nhiều khó khăn, giờ đây lại thêm nhiều thách thức mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Công tác bảo hộ trẻ em tại các khu vực xung đột vũ trang đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bất chấp những nỗ lực từ cộng đồng và các tổ chức quốc tế, trẻ em là đối tượng thường bị nhắm tới vì nhiều mục đích tội phạm. Số vụ giết hại, bắt cóc, chiêu mộ và sử dụng trẻ em làm binh lính có xu hướng gia tăng.

Liên hợp quốc nhận định, các cuộc tấn công vào trường học và sử dụng trường học vào mục đích quân sự đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt tại 17 quốc gia khu vực Sahel (châu Phi), một số nước ở khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Mới đây, cộng đồng quốc tế quyết liệt lên án các vụ bắt cóc trẻ em nghiêm trọng xảy ra liên tiếp nhắm vào các trường học từ nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria và tội phạm có tổ chức đang hoạt động tại châu Phi.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các chính phủ dồn nhiều sức lực để bảo đảm y tế cộng đồng, các trường học đã trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Hồi tháng 2 vừa qua, một nhóm vũ trang đã bắt cóc 317 nữ sinh trong đêm, từ một trường trung học ở bang Zamfara, Tây Bắc Nigeria. Trước đó cũng tại Nigeria, một nhóm vũ trang khác bắt 42 người, gồm 27 trẻ em từ một ngôi trường nội trú ở bang Niger miền Trung nước này. Phần lớn các vụ bắt cóc nhắm vào học sinh được thực hiện vì mục đích đòi tiền chuộc. Thực trạng này khiến các bậc cha mẹ không muốn cho con đến trường và giáo viên không dám dạy học.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, 258 triệu trẻ em và thanh niên trên toàn cầu đã không thể đến trường, đặc biệt là trẻ em tại 12 quốc gia, chủ yếu tại Tây Phi và Trung Phi, do những lo ngại bị tấn công, bắt cóc và khủng bố. Tổ chức bảo vệ trẻ em phân tích, trường học đóng cửa khiến nhiều trẻ em không chỉ mất cơ hội học tập mà còn mất đi nơi an toàn để vui chơi cùng bạn bè, được ăn uống và tiếp cận các dịch vụ y tế. Cùng với đó là tình trạng nhiều trẻ em bị chiêu mộ, do ép buộc hoặc hoàn cảnh gia đình tham gia vào các cuộc chiến.

Liên hợp quốc ước tính, có khoảng 8.000 trẻ em tham gia các cuộc chiến tại hơn 20 quốc gia trên toàn cầu. Theo thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 250 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có chiến tranh. Xung đột kéo dài đang khiến trẻ em đối mặt nhiều nguy cơ hơn, như: Bệnh tật, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tâm lý… từ đó không thể phát triển bình thường.

Trước thực trạng này, ngày 7-5 vừa qua, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đồng tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria (họp không chính thức) về chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em trong xung đột vũ trang”.

Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trẻ em trong xung đột vốn phải chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi, như: Không được tới trường do trường học bị đóng cửa hay bị tấn công, dễ bị bạo lực tình dục, có khả năng bị các nhóm vũ trang, khủng bố lôi kéo, tuyển mộ và sử dụng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn đề này càng nguy hại hơn.

Trên cơ sở đó, các nước đã thống nhất cần tăng cường hợp tác quốc tế để công tác giám sát phát huy hiệu quả, nhấn mạnh các quốc gia trong xung đột vũ trang phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của trẻ em... Đồng thời, để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, cần bảo đảm giáo dục và tăng cường trao quyền cho trẻ em, qua đó sẽ giúp các em nuôi dưỡng và thúc đẩy văn hóa hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hộ trẻ em trong xung đột vũ trang: Thách thức mới từ đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.