(HNMO)- Chiều 31-10 tại trụ sở báo Hànộimới, ông Tô Quang Phán, Tổng biên tập Báo Hànộimới đã thay mặt Ban biên tập, tập thể cán bộ, phóng viên đón tiếp Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan đang thăm và làm việc tại Hà Nội.
Ông Chavarong, Trưởng Đoàn đại biểu Hội nhà báo Thái Lan cho biết mục đích của chuyến thăm Hà Nội của Đoàn nhằm mang lại những kiến thức, giúp các nhà báo Thái Lan có cái nhìn toàn diện về các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN; nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của cộng đồng này đồng thời học hỏi cách tổ chức, hoạt động của báo chí Việt Nam, trong đó có Báo Hànộimới
Ông Tô Quang Phán đã giới thiệu một vài nét về Báo Hànộimới, trong đó nhấn mạnh vị thế quan trọng của một tờ báo Thủ đô. Tính đến thời điểm hiện nay, Báo Hànộimới đã có lịch sử 56 năm xuất bản số báo hàng ngày đầu tiên. Báo hiện có 4 ấn phẩm với 230 phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công nhân viên.
Trong quan hệ quốc tế, Báo đã kết nghĩa và có mối quan hệ thân thiết với Báo Viêngchăn May (Lào) cũng như thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với một số cơ quan báo chí tại các quốc gia khác.
Trong những năm gần đây, Báo đang áp dụng phương pháp làm báo hiện đại của thế giới. Hàng năm, Báo cử các phóng viên, biên tập viên sang một số nước phát triển học tập kinh nghiệm làm báo như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Thụy Điển…
TBT Báo Hànộimới và Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá về chuyển giao loại hình báo chí, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức hiện nay |
Tại buổi làm việc, trong bầu không khí thân tình, ông Tô Quang Phán đã giải đáp nhiều câu hỏi của Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan về lượng phát hành của từng ấn phẩm, hệ thống phát hành, tầm quan trọng của thu hút quảng cáo và cách thức vận hành cả 4 ấn phẩm báo chí…
Trả lời câu hỏi của một nhà báo Thái Lan về cách thức vượt qua khó khăn của Hànộimới trong cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu đối với báo chí nói chung và báo in nói riêng hiện nay, ông Tô Quang phán cho biết ngoài việc tăng cường cải tiến phương cách phát hành, thu hút quảng cáo, khai thác những thông tin hấp dẫn, thu hút độc giả hơn, Báo tập trung phát triển ấn phẩm điện tử, tích hợp nhiều công nghệ như phát thanh, truyền hình và thu hút quảng cáo trên ấn phẩm này.
Đồng thời, Hànộimới cũng tích cực quảng bá hình ảnh của mình thông qua các hoạt động truyền thống như Giải chạy Báo Hànộimới Vì hòa bình, giải Bóng bàn Báo Hànộimới mở rộng.
Các nhà báo Thái Lan ghi nhận nhiều thông tin quý báu từ Báo Hànộimới thu được qua buổi làm việc |
“Thái Lan đang phải đối mặt tình trạng báo in ngày càng suy giảm vì người xem báo online và qua điện thoại rất nhiều. Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Vậy cách thức nào để chúng ta thoát khỏi nguy cơ chung này?” – Trả lời một câu hỏi của nhà báo Thái Lan, ông Tô Quang Phán nhận định đó là xu hướng chung của toàn thế giới chứ không riêng gì Thái Lan và Việt Nam. Để thoát khỏi tình trạng này, mỗi tờ báo tự tìm ra một hướng đi riêng nhưng giải pháp đột phá là rất khó.
Xu hướng phát triển của Hànộimới từ nay đến năm 2020 là xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa sản phẩm, đưa những tiện ích nhất đến người đọc; Xây dựng ấn phẩm Hànộimới online thành tờ tích hợp đa phương tiện một cách cao nhất và có thể xây dựng một ấn phẩm phát miễn phí, mạng lưới phát hành giao báo đến tận nhà người dân.
Nhiều nhà báo Thái Lan trong đoàn bày tỏ ra sự bi quan về sự tồn tại của báo in trong thời gian tới. Ông Tô Quang Phán cho rằng báo in đang co hẹp lại bởi thói quen của bạn đọc đã thay đổi, sự phân khúc thị trường báo chí ngày càng trở nên khắc nghiệt trong “cuộc chiến” giành giật bạn đọc. Tuy nhiên, báo in vẫn sẽ tồn tại bởi luôn có lượng độc giả nhất định. Qua nhiều lần sang Thái Lan, ông Tô Quang Phán cũng bày tỏ cảm nhận về một nền báo chí năng động mà báo chí Việt Nam có thể học tập nhiều điều.
Thay mặt Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan, ông Chavarong cám ơn sự chia sẻ nhiều thông tin quý báu từ Tổng biên tập Báo Hànộimới. “5 năm trước, nhiều cơ quan báo chí của Thái Lan đều lâm vào cảnh thu hẹp lượng phát hành, tụt giảm quảng cáo mạnh, buộc các cơ quan báo chí truyền thống chuyển sang xu hướng phát triển báo online, báo qua tin nhắn, qua điện thoại và đã thu hút được nhiều người xem. Tuy nhiên, dù số lượng người truy cập các loại hình online tăng lên nhưng vẫn không thu hút được lượng quảng cáo như mong muốn.
Do vậy, 2 năm gần đây, một loạt các tờ báo ở Thái Lan lại chuyển sang làm kinh doanh truyền hình. Hiện tại, chúng tôi đang có 20 kênh truyền hình thương mại. Bằng vốn tự có, một vài cơ quan báo chí mở các chương trình truyền hình và đã thu được lợi nhuận từ đó. Nhiều phóng viên viết giờ đã trở thành nhà sản xuất chương trình truyền hình…” - Ông Chavarong chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc việc chuyển giao giữa báo chí truyền thống với báo chí hiện đại ở Thái Lan nhằm vượt qua khủng hoảng hiện nay.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo Báo Hànộimới và Trưởng đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan đã bày tỏ sẵn sàng giao lưu, giúp đỡ, tạo điều kiện để các nhà báo hai nước có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.