(HNM) - Dân gian có câu
Dù chưa có thông tin chính thức về mức thưởng Tết năm 2017 của các DN trên địa bàn Hà Nội, nhưng con số tăng khoảng 10% so với năm 2016 đã được dự báo. Lý do là nền kinh tế dần đi vào ổn định, nhiều DN, tổ chức đã có bước phát triển, có tích lũy để từ đó quan tâm hơn đến quyền lợi của NLĐ. Đó là những thông tin đáng mừng. Thế nhưng, vấn đề quan tâm là có nên “luật hóa” câu chuyện thưởng Tết hay không được dư luận quan tâm, để làm sao mỗi dịp “Tết đến, Xuân về”, thưởng Tết không còn là nỗi thấp thỏm của NLĐ.
Theo các chuyên gia, nhiều nước trên thế giới thực hiện nghiêm việc trả thưởng cho NLĐ. Thậm chí có nơi quy định DN phải ký thỏa ước thưởng hằng năm từ 2 đến 3 tháng lương và kiểm soát chặt lợi nhuận của từng DN. Trong khi đó, vấn đề này ở nước ta vì nhiều lý do thực hiện chưa tốt, nên chuyện “lời giả, lỗ thật” và ngược lại rất khó nắm được. Đó chính là bất cập khiến không ít DN “qua mặt” NLĐ, khiến họ chịu thiệt.
Trong các văn bản pháp quy chưa có quy định nào bắt buộc DN phải có tiền thưởng cho NLĐ. Tiền thưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào DN, tổ chức kinh doanh lời lãi ra sao. Luật cũng không quy định chế tài nếu DN không thực hiện thưởng trong dịp lễ, tết. Chủ yếu tiền thưởng Tết giống như một món quà thể hiện sự quan tâm của DN tới NLĐ… Nhưng trong bối cảnh hiện nay, quan điểm đó cũng cần xem xét lại khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh nhân lực… ngày càng gay gắt. Do đó, cần nhận thức rằng: Nếu DN quan tâm tốt thì NLĐ sẽ làm việc tốt và gắn bó lâu dài, ngược lại, nếu cố tình không chia sẻ những lợi ích ấy, NLĐ sẽ tìm cách chuyển sang chỗ làm việc mới. Do đó, thưởng Tết cho NLĐ là việc đương nhiên, thuộc về lương tâm, tránh nhiệm của DN chứ không thể đưa vào chế tài bắt buộc.
Vậy NLĐ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Trong vấn đề này thiết nghĩ, vai trò của công đoàn cơ sở là rất quan trọng. Công đoàn là tiếng nói của NLĐ, giúp họ thương lượng với chủ sở hữu lao động những quyền lợi, trong đó có tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, số DN có tổ chức công đoàn ở lĩnh vực tư nhân là rất ít, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng chưa đầy đủ. Do đó, việc cần thiết là phải sớm hình thành tổ chức công đoàn ở những DN khu vực này để bảo vệ quyền lợi NLĐ. Khi có tổ chức công đoàn, nếu phát hiện DN có tình trạng không trả lương, trốn tránh nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có tiền thưởng Tết thì phải báo ngay với các cơ quan cấp trên để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Đầu tháng 12-2016, Bộ LĐ-TB&XH ban hành công văn gửi các sở LĐ-TB&XH đề nghị DN phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, chăm lo cho đời sống NLĐ, xây dựng các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng trong dịp Tết Âm lịch 2017 và thông báo cho NLĐ trong DN biết. Bộ cũng yêu cầu các địa phương gửi kế hoạch thưởng cho NLĐ ở các DN trên địa bàn trong dịp Tết và gửi về Bộ trước ngày 30-12-2016.
Tiền thưởng Tết vừa là giá trị vật chất, giá trị tinh thần, vừa là nét văn hóa ứng xử của người Việt. Một cái Tết Đinh Dậu ấm no, vui tươi là điều mọi người, mọi nhà ai ai đều mong muốn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.