Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sức sống bền vững của mỗi làng nghề

Thanh Hiền| 05/09/2017 06:51

(HNM) - Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại giá trị cao về kinh tế cho người lao động.

Gốm được nung bằng công nghệ mới tại xưởng gốm Bát Tràng.


Tăng lợi nhuận nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật

Anh Nguyễn Trung Kiên, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng cho biết: Kể từ khi sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, không chỉ đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng nâng lên, mà môi trường làng nghề cũng được cải thiện nhiều. Bài toán phát triển bền vững của làng nghề Bát Tràng chỉ được giải quyết khi doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ sản xuất từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại. Nung sản phẩm gốm bằng lò gas cải tiến giúp doanh nghiệp giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%.

Lợi nhuận cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với công nghệ cũ, vì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí năng lượng, mà công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95 - 98% so với mức 60 - 70% trước kia. Vì thế, tuy phải vay hơn 800 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi công nghệ nhưng chỉ sau 3 năm đầu tư, các hộ gia đình đã có thể thu hồi vốn.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc chia sẻ: Làng có 200 hộ làm nghề dệt lụa, trước kia các hộ sản xuất thủ công, nhưng đến nay hầu hết đã đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm. Một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc cho sản xuất. Đến nay, làng Vạn Phúc có khoảng 245 máy dệt, sản xuất được tất cả các sản phẩm lụa từ tơ tằm đến sợi bóng. Bản thân ông Hà và gia đình cũng gắn bó với nghề từ rất lâu và là một trong những hộ tiên phong của làng về cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm với 6 máy dệt.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, cùng các bộ, ngành, nhiều làng nghề trên địa bàn đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới thiết bị, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho người dân. Điển hình như làng nghề dệt len Ỷ La, La Dương, La Nội, La Phù (huyện Hoài Đức) đầu tư đổi mới nhiều máy dệt len với công nghệ lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, an toàn và tăng thu nhập; làng nghề sơn mài xã Duyên Thái (Thường Tín) áp dụng công nghệ ép viên năng lượng và tạo cốt; xã Bích Hòa (Thanh Oai), An Thượng (Hoài Đức) sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo làm bánh đa nem... Hầu hết doanh nghiệp trong các làng nghề đều đã tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Cần hỗ trợ về vốn

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề và nghề truyền thống đã ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ vào gần trọn quy trình, hoặc một vài công đoạn sản xuất. Những ứng dụng như vậy đã cho sản phẩm chất lượng tốt hơn, tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn, đa dạng hóa sản phẩm, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần bảo đảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo của sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các làng nghề là nguồn vốn đầu tư, nên việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa rộng rãi.

Để bảo đảm các làng nghề hoạt động hiệu quả, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng như chính sách ưu đãi, lựa chọn công nghệ thích hợp với cơ sở sản xuất làng nghề, phát huy vai trò của cơ quan chuyên môn để làm nòng cốt trong việc chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; thiết lập hệ thống cung cấp thông tin về thiết bị, công nghệ cho các làng nghề; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ và quản lý công nghệ cho người sử dụng; tăng cường tuyên truyền về ứng dụng công nghệ vào làng nghề để không chỉ nâng cao ý thức cho người dân, mà còn nâng cao trách nhiệm cho các cán bộ quản lý, chính quyền địa phương...

Được biết, ngay từ đầu năm 2017, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc. Thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất cho các làng nghề.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; xây dựng cơ chế ưu đãi, huy động nguồn vốn xã hội hóa vào công tác bảo vệ môi trường làng nghề; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm. Bảo đảm 100% làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sức sống bền vững của mỗi làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.