(HNM) - HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, từ năm học 2019-2020. Theo đó, mức học phí ở những cấp học này sẽ được điều chỉnh tăng từ 26% đến 40% so với năm học trước.
Trước tiên cần khẳng định, việc điều chỉnh tăng học phí nằm trong lộ trình và cần thiết, trên nguyên tắc mức thu học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và tốc độ tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm.
Mức tăng học phí này cũng nằm trong khung quy định của Chính phủ tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đặc biệt, bên cạnh đó, thành phố đã triển khai chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, để bảo đảm việc điều chỉnh học phí không làm ảnh hưởng đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách; không để học sinh vì khó khăn mà không thể đến trường.
Thực tế, các trường hiện phải sử dụng 40% tổng số tiền thu từ học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương giáo viên, số còn lại chi phục vụ dạy, học. Vì thế, việc tăng học phí sẽ giúp các trường có thêm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ, đãi ngộ đội ngũ giáo viên để họ chuyên tâm công tác.
Song, với thời điểm hiện nay, khi năm học mới 2019-2020 đang cận kề, việc điều chỉnh tăng học phí khiến không ít phụ huynh băn khoăn. Một loạt câu hỏi đang được đặt ra, như: Số tiền học phí tăng thêm được quản lý, sử dụng ra sao; chất lượng dạy và học có đi liền với mức tăng của học phí...?
Để giải tỏa những băn khoăn trên của phụ huynh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã khẳng định, việc tăng học phí không nằm ngoài mục đích tăng nguồn lực, cải thiện điều kiện dạy và học.
Trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng tăng, hệ thống trường, lớp còn nhiều khó khăn, kinh phí tăng thêm từ nguồn thu học phí sẽ được ưu tiên để cải tạo, mở rộng mạng lưới trường, lớp và xây mới, thay thế các phòng học xuống cấp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng nhiều của học sinh.
Để chủ trương đúng và thiết thực này đi vào cuộc sống, trước hết các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà trường nhằm nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo và giám sát chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra các khoản thu - chi, để bảo đảm khoản thu học phí được sử dụng đúng mục đích, không xảy ra tình trạng lạm thu.
Về phía các nhà trường, công tác thu, chi tài chính nói chung, học phí nói riêng phải được công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ việc sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, diện chính sách, giúp các em yên tâm học tập. Đi đôi với đó là nâng cao chất lượng dạy và học, kiểm soát các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm.
Về phía phụ huynh, không chỉ hiểu đúng về chính sách tăng học phí, mà còn cần cộng đồng trách nhiệm trong việc giám sát hoạt động thu - chi của nhà trường, chủ động phản ánh tình trạng sử dụng học phí không đúng mục đích, lạm thu trong các nhà trường để cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời.
Có như vậy, việc tăng học phí mới phát huy tối đa hiệu quả trong đầu tư trường, lớp và hướng đến mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dạy và học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.