(HNMO) - Năm 2022, thế giới có nhiều biến động đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, với sự chung sức đồng lòng cùng với việc đề ra nhiều giải pháp cụ thể, bám sát chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, EVN đã bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định với mức tăng trưởng cao, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Số xã có điện trên cả nước đạt 100%
Năm 2022, giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm cân đối tài chính của EVN.
Thông tin về điều này, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2022, công tác đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn... Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm và hiện đang thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tập đoàn, nỗ lực quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, tập đoàn đã bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau dịch Covid-19.
Theo đó, năm 2022, EVN đã cung cấp điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh (tăng 5,26% so với năm 2021); công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 45.434 MW (tăng 4,41%); sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh (tăng 6,08%); điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 242,3 tỷ kWh (bằng 99,97% kế hoạch và tăng 7,53% so với năm 2021).
Để đạt được những kết quả đó, theo ông Nguyễn Tài Anh, tập đoàn đã chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt, hiệu quả. Cụ thể là triển khai hiệu quả các biện pháp tiết giảm chi phí. Theo đó, EVN đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ công nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020..., nhờ đó đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng.
Cùng với đó, thực hiện tối ưu hóa dòng tiền: Tổng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi của công ty mẹ - EVN và các đơn vị là hơn 7.900 tỷ đồng. EVN cũng chỉ đạo các đơn vị vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy thủy điện (có chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than cho các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện. Đồng thời do sản lượng thủy điện cao hơn kế hoạch khoảng 12,5 tỷ kWh giúp giảm chi phí mua điện của EVN khoảng 15.845 tỷ đồng… Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí nêu trên là 33.445 tỷ đồng.
Mặc dù EVN đã nỗ lực nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến nên kết quả năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.
Trong công tác đầu tư xây dựng, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng tập đoàn và các đơn vị đã rất nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ. Kết quả giá trị khối lượng đầu tư toàn tập đoàn năm 2022 ước đạt 89.305 tỷ đồng (bằng 92,5% kế hoạch); giá trị giải ngân đạt 88.225 tỷ đồng (bằng 91,4% kế hoạch).
Cùng với đó, công tác đầu tư nguồn điện, lưới điện cũng được chú trọng. Theo thống kê, trong năm 2022, EVN đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình 110-500kV, trong đó đưa vào các công trình quan trọng như đường dây 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, lưới điện đồng bộ Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1; đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương.
Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi
Đó là điều được ông Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh khi đề cập đến nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện kế hoạch của EVN trong năm 2023. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của EVN rất nặng nề trong cả hai khía cạnh bảo đảm cung ứng điện và cân đối tài chính.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, tập đoàn lựa chọn chủ đề năm là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” với mục tiêu bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; tiếp tục là một trong các đơn vị đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến khách hàng và cộng đồng. EVN đề ra chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm năm 2023 là 251,1 tỷ kWh. Kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 94.860 tỷ đồng.
Thực hiện nhiệm vụ này, tập đoàn yêu cầu các đơn vị điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi; chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than, khí cho phát điện.
Tập đoàn sẽ tập trung thi công 3 dự án nguồn điện: Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I. Cùng với đó là khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2, Phước Thái 3; phấn đấu khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV; hoàn thành các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn phấn đấu khởi công các dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái năm 2024 và dự án nhiệt điện Ô Môn III năm 2025; hoàn thành 243 công trình lưới điện từ 110-500kV.
Song song với đó, EVN triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính: Hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ về đầu tư xây dựng; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động; áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đối số và công cụ quản lý thực hiện đầu tư xây dựng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.