Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Mai Hữu| 18/06/2020 09:25

(HNMO) - Sáng 18-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, 95,03% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Kết quả biểu quyết Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)

Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định EVIPA, được ký ngày 30-6-2019. Nghị quyết gồm 4 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Một số nội dung chính của Nghị quyết gồm: Phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định EVIPA đối với bị đơn là Việt Nam được coi như phán quyết của trọng tài nước ngoài; phán quyết được ban hành sau thời hạn 5 năm đối với bị đơn là Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam; kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực, phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam…

Kết quả biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng trong sáng nay, với 92,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

So với trước đây, Luật đã bổ sung một số quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc của Quốc hội trong thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Luật cũng quy định rõ về trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại các kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, Luật có các quy định nhằm làm rõ hơn trách nhiệm, quan hệ phối hợp của các chủ thể tham gia quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; bổ sung việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi xây dựng, ban hành văn bản trong những trường hợp cụ thể như đề nghị của Chính phủ…

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 khoản trong Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.