(HNM) - Thời gian qua, các địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, nhiều cơ sở kinh doanh theo thời vụ nên gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay thành phố Hà Nội có 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó cấp thành phố quản lý là 1.453 cơ sở; còn lại do cấp quận, huyện, xã, phường quản lý. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản chủ yếu nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, thậm chí nhiều cơ sở hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản và xử lý vi phạm.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai Lê Văn Bắc, trên địa bàn huyện có khoảng 2.100 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất rượu thủ công. Năm 2019, huyện đã kiểm tra 141 cơ sở, trong đó phát hiện 58 cơ sở vi phạm xử phạt với số tiền hơn 175 triệu đồng, tịch thu 185 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nguyên nhân của tồn tại trên là do nhiều xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách; chưa có đủ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ…
Cũng về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết, trong tháng 2-2020, lực lượng thanh tra ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra 24 tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 116 triệu đồng đối với 10 tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN& PTNT còn tham gia các đoàn liên ngành của thành phố kiểm tra 1.353 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính 81 trường hợp với số tiền gần 128 triệu đồng.
Để tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về an toàn thực phẩm; giao trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm cho lãnh đạo các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và hiệu trưởng các trường học. Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm để tiếp nhận sớm, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm ở tuyến xã, thị trấn; phối hợp với các sở, ngành của thành phố tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; phát triển mạnh các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; thuốc bảo vệ thực vật; giống vật nuôi; xử lý các vi phạm phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó, các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; hướng dẫn người dân ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng để có thể truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản bán ra thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.