Để sản phẩm làng nghề vươn xa, tiêu thụ tiện lợi, mang lại nguồn thu nhập cao, người dân làng nghề phải tự thay đổi phương thức kinh doanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để sản phẩm truyền thống được quan tâm, tiêu thụ tốt hơn nữa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tiêu thụ tốt, tăng giá trị
Đối với những làng nghề có sản phẩm đã được công nhận OCOP (chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm), vấn đề tiêu thụ là đặc biệt quan trọng. Trong thời đại công nghệ phát triển, thương mại điện tử là xu hướng mang tính toàn cầu và thực tế đã rất phát triển trong những năm gần đây. Thực tế này đòi hỏi các làng nghề Hà Nội nói riêng cũng như làng nghề Việt phải đổi mới phương thức bán hàng.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP thành phố Hà Nội năm 2024. Kế hoạch nhằm tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Điều đáng nói, thành phố cũng sẽ phát triển thêm từ 10 - 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; triển khai tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Cũng phải nói thêm rằng, ở rất nhiều làng nghệ Hà Nội, các nghệ nhân lớn tuổi, vốn chỉ giỏi làm ra các sản phẩm đẹp chứ chưa có cách tạo kênh giới thiệu, bày bán sản phẩm. Ông Đặng Đình Hòe, chủ cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Thành Luân (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên), chia sẻ: Để phát triển được thì không thể "áo gấm đi đêm". Sản phẩm của chúng tôi đã vô cùng tinh xảo, nhưng chúng tôi cũng tận dụng Facebook, Zalo, TikTok để giới thiệu, từ đó mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) nổi tiếng với nghề làm nón truyền thống. Trước đây, sản phẩm của làng chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Thời gian gần đây, nhờ quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức, mỗi năm, có hàng trăm vạn chiếc nón làng Chuông đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên nhiều lần. Bà Tạ Thu Hương, nghệ nhân ở làng Chuông cho biết, mỗi năm, gia đình bà xuất khẩu khoảng 60 nghìn sản phẩm. Bà cũng tích cực liên kết với các tour du lịch đưa khách về thăm làng, hướng dẫn, cho du khách trải nghiệm quy trình làm nón tại làng nghề, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Những năm qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã phối hợp các huyện tổ chức các lớp tập huấn bán hàng online, livestream hoàn toàn miễn phí cho các chủ thể OCOP. Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam, đánh giá sản phẩm OCOP của Hà Nội rất phù hợp để quảng bá, giới thiệu trên nền tảng TikTok. Ngoài ra, các giải pháp sáng tạo trên nền tảng giải trí số 1 hiện nay cũng có thể hỗ trợ đắc lực để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng: "Các kênh thương mại điện tử giúp người nông dân, chủ thể OCOP vươn được cánh tay dài hơn, giúp tiêu thụ tốt hơn sản phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ, kết nối để các chủ thể tiếp cận và tận dụng tốt hơn nữa nền tảng công nghệ để bán sản phẩm".
Có một vấn đề được đặt ra là thiếu nguyên liệu đầu vào cho làng nghề. Do đặc thù là Thủ đô, diện tích sản xuất có hạn nên nguyên liệu cơ bản phải nhập từ địa phương khác. Nhiều năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các quy hoạch này đều chưa xác định được vùng nguyên liệu cụ thể. Hơn nữa, các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương riêng rẽ, mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước.
Tổ chức vinh danh, giới thiệu sản phẩm
Thời gian qua, thành phố thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội để tôn vinh các sản phẩm làng nghề. Một số sự kiện nổi bật có thể kể tới, như: Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ tư, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2023… Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về làng nghề, ngành, nghề nông thôn; gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
Thành phố Hà Nội cũng tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của làng nghề. Tại sự kiện khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 11-2023), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho 45 tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt, 5 giải A đều thuộc về các tác phẩm, tác giả Hà Nội. Thời gian tới, thành phố sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị của Trung ương và các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và hành động đổi mới sáng tạo, đổi mới hình thức mẫu mã... để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa giữ được bản sắc, hồn cốt của quê hương, vừa có bước cải tiến mang tính đột phá, phù hợp xu thế hiện đại, khẳng định vị thế của sản phẩm làng nghề Hà Nội.
Để phát triển bền vững, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực của làng nghề, thiết kế sáng tạo mẫu mã, tạo ra các sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao. Người thợ thủ công làng nghề còn phải có kỹ năng tham gia trực tiếp vào việc xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm của mình một cách thân thiện, chuyên nghiệp. Theo kế hoạch của UBND thành phố, trước mắt, thành phố phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Trước đó, thành phố cũng ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022, trong đó xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.
Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu thành phố xây dựng định hướng phát triển xuất khẩu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đưa chỉ tiêu có 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.
Cuộc sống phát triển từng ngày, làng nghề cũng phải tiệm cận, song vẫn phải bảo đảm yếu tố truyền thống, bền vững. Trong mạch chảy đó, hơn hết, mỗi nghệ nhân làng nghề đều mong mỏi tìm kiếm truyền nhân, tiếp cận được kỹ năng nghề từ cha ông, đó là những gương mặt trẻ, tâm huyết, giỏi công nghệ, có ngoại ngữ để tiếp tục giúp cho làng nghề phát triển xứng tầm.
---
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.