Hoàn toàn có thể “nghĩ lớn” để sớm đưa sông Hồng trở thành trục xanh, hành lang xanh cho Hà Nội trong một ngày không xa, ở đó tận dụng tối đa vùng đất bãi để quy hoạch, phát triển hệ thống công viên rừng.
Từ công viên bãi Giữa…
GS.TS Hoàng Văn Cường (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, lẽ ra, sông Hồng của Hà Nội phải đẹp, nhưng thực tế không phải vậy. "Hai bên bờ sông hiện đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội do không thể tổ chức khai thác vì vướng quyết định về phòng, chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình. Từ đó, làm cho “đất vàng” hai bên sông tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang hai bên sông ở các tỉnh khác", GS Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Điều đáng mừng là gần đây, UBND 4 quận: Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đang tích cực lấy ý kiến cộng đồng để sớm hiện thực hóa đề án “Xây dựng công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng” (Công viên bãi Giữa). Đây là một chủ trương nhận được đồng thuận cao của dư luận, đồng thời cũng thể hiện Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 bước đầu đã đi vào cuộc sống.
Được biết, bãi Giữa sông Hồng với diện tích 310ha, chịu sự quản lý của 4 quận nói trên. Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, quận có 180ha đất bãi Giữa, phần lớn là đất nông nghiệp. Hiện nay, khu vực này đã có nhiều hộ kinh doanh các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tự phát...
Vậy nhưng bãi Giữa được ví như “công viên rừng” giữa Thủ đô khi khu vực này trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. Đó cũng chính là nguồn lực tự nhiên, tiền đề để tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan sinh thái, tạo đà để Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà lâu nay chúng ta đang lãng quên.
Nhiều gợi mở, mô hình mang tầm nhìn dài hạn được đưa ra cho Công viên bãi Giữa. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nêu một số ý tưởng, gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi Giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang, bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ), Ngọc Thụy (quận Long Biên). Cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu.
Ngoài ra, cần thiết phải xây dựng hành lang xanh cho khu vực bãi Giữa, phát triển nơi đây theo mô hình công viên chuyên đề sinh thái - văn hóa - sáng tạo. Một số mô hình có thể triển khai tại đây là: Công viên chuyên đề du lịch sinh thái, công viên chuyên đề lịch sử văn hóa, công viên chuyên đề nông nghiệp, công viên chuyên đề khoa học…
Cũng theo nhiều chuyên gia, xây dựng Công viên bãi Giữa không nên chỉ tạo ra không gian xanh như mọi công viên thường thấy. Phát triển cảnh quan sông Hồng cần tạo ra nét riêng, khác biệt với các thành phố khác trên thế giới. Ấy là nên chú trọng phát triển những công viên hoa từ cơ sở mô hình các vườn hoa, làng hoa hiện nay ở Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên (quận Tây Hồ); Thạch Cầu, Thạch Bàn (quận Long Biên). Để sau này, khi du thuyền đi dọc sông Hồng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đô thị hiện đại tràn ngập sắc hoa.
… đến tư duy vượt sông Hồng
Không thể phủ nhận, nội thành Hà Nội ngày nay đã quá chật chội và gần như hết quỹ đất để mở rộng không gian công cộng. Vì thế, không chỉ nên hài lòng với Công viên bãi Giữa, mà với “vốn riêng” là hàng chục nghìn héc ta đất bãi ven sông Hồng (thêm cả sông Đuống cũng không phải là quá sớm), đã đến lúc, chúng ta có thể đặt vấn đề đưa vùng đất bãi sông thành những vạt rừng, công viên rừng - lá phổi xanh cho đô thị Hà Nội.
Bởi những ai có dịp đến một số nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Indonesia…, sẽ được chứng kiến những khu vườn - công viên rừng, rộng hàng trăm héc ta nằm trong lòng các đô thị lớn hoặc vùng lân cận. Nơi đây được chia thành những phân khu rộng từ vài đến hàng chục héc ta; trồng một loại cây chuyên biệt mang đặc trưng của quốc gia. Đáng lưu ý, những khu công viên - vườn này là địa điểm cắm trại, tổ chức sự kiện ngoài trời, giáo dục trực quan về thiên nhiên rất phù hợp.
Ví dụ như tại Bogor, cách thủ đô Jakarta (Indonesia) khoảng 70km có Công viên Mekarsari rộng gần 500ha, trồng gần 100 loại cây ăn quả, cây đặc trưng của Indonesia. Mỗi năm, địa điểm này thu hút hàng chục vạn người, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu.
Với Hà Nội, phương án sử dụng bãi sông Hồng thành những khu rừng nhỏ, công viên sinh thái là hoàn toàn phù hợp với việc bảo đảm hành lang thoát lũ không được phép xây dựng các công trình gây cản trở dòng chảy. Từ hành lang thoát lũ đến đê có thể khai thác các dịch vụ sinh thái, không ảnh hưởng đến thoát lũ và giữ trọn vẹn cảnh quan tự nhiên. Bên trong đê mới được phép xây dựng, ưu tiên các công trình dịch vụ… Đây cũng chính là mô hình mà một số nước như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thiết nghĩ, trong điều kiện của Hà Nội hiện nay cũng như lâu dài, những mô hình trên rất đáng học tập. Với việc hình thành khu rừng nhỏ hay công viên - vườn ngoài bãi sông Hồng, có thể tạo nguồn thu từ đây thông qua hoạt động du lịch - giáo dục, điều còn rất thiếu đối với Hà Nội.
Chúng ta có quyền mơ về những vạt rừng rộng hàng chục héc ta chuyên trồng đào Nhật Tân, mai trắng Tây Hồ để chục năm sau có thể sánh ngang với những khu vườn anh đào ở Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Washington( Mỹ). Rồi có thể là rừng trúc, tre, nứa và những vườn mận, mơ, xoài, ổi… trĩu quả; rừng hoa phượng, muồng vàng, bằng lăng... dọc hai bên bãi sông Hồng. Xen lẫn là các không gian dịch vụ để tổ chức các hoạt động giáo dục sinh thái trải nghiệm, cắm trại, sinh hoạt cộng đồng để giảm tải cho đô thị lõi hiện nay.
Chúng ta cũng không mong trục sông Hồng bị bê tông hóa "quá đà", bởi bài học của Seoul (Hàn Quốc) về việc lấp suối Cheonggye (còn có tên Cheonggyecheon) dài 11km trong giai đoạn 1955-1977 để làm cao tốc vẫn còn nguyên. Để rồi đến năm tháng 7-2003, chính quyền Seoul đã cho phá cao tốc, quyết khôi phục dòng kênh với kinh phí lên đến 900 triệu USD. Chỉ 6 năm sau, số lượng các loài chim sống ven suối tăng từ 6 lên 36, các loài cá tăng từ 4 đến 25 và các loài côn trùng từ 15 tăng lên 192. Dòng suối còn có thác nước, cầu đi bộ, đường chạy cho người dân rèn thể lực, hai hàng cây xanh bên bờ dài 8km, một công viên 400ha. Các nghiên cứu cho thấy dòng nước còn giúp giảm 3-4 độ C nhiệt độ trung bình của khu vực trung tâm Seoul.
...Rõ ràng, đoạn sông Hồng chảy qua là một "không gian xanh" mà trời đất ban cho Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là cơ hội vàng để hoạch định tầm nhìn và khát vọng cho Thủ đô. Đây chính là cơ hội hiếm có để tổng hòa các điều kiện nhằm hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.