Chính trị

Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”Bài 2: “Thỏa thuận lại” với dòng sông

Đan Nhiễm 24/05/2024 09:45

Dưới trầm tích của lịch sử, ánh xạ tươi mới của gần 40 năm đổi mới của Thủ đô và đất nước, trục sông Hồng ngày càng chiếm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của đô thị Hà Nội - trái tim của cả nước.

Vậy nên, việc nhận diện những bất cập, hạn chế trong quá trình trị thủy, sống hài hòa cùng sông Hồng là việc cần làm.

Nhiều diễn biến bất lợi

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 120km và cũng tương ứng với đó là chiều dài vùng bãi sông. Đặc biệt, vùng bãi qua khu vực nội thành (tính từ Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, đến hết địa bàn huyện Thanh Trì) có chiều dài gần 40km. Nghiên cứu trong 20 năm gần đây cho thấy, dấu hiệu sông chuyển dòng sang thế bất lợi đã lộ rõ.

a3.jpeg
Khu vực sạt lở bờ sông Hồng tại địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm vào năm 2023. Ảnh: Duy Phạm

Theo nghiên cứu của GS.TS Lương Phương Hậu (Viện Khoa học thủy lợi), hiện tượng bồi tụ thành dải cồn cát đã, đang xảy ra mạnh tại trước cửa trạm bơm Ấp Bắc, khu vực đình Chèm, bãi Tứ Liên, bãi Thạch Cầu, bãi Duyên Hà... Sự thay đổi dòng chảy là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp. Khu vực xã Hải Bối (huyện Đông Anh), các phường Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên) là hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng sạt lở bờ sông.

Ngoài ra, hiện tượng xây dựng trái phép trên đất bãi, khai thác cát trái phép, tập kết bãi vật liệu sau khai thác không theo quy hoạch xuất hiện ở rất nhiều nơi, gây nguy cơ về mất an toàn đê điều, tính ổn định của cầu vượt sông và dễ gây ô nhiễm môi trường.

Khảo sát dọc sông Hồng qua địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên cho thấy, một số phường đã dựng hàng rào ngăn cách nhà dân với phần đất lưu không giáp sông Hồng để chống đổ trộm phế thải, chống lấn chiếm. Tuy nhiên, ngay cả khi những hàng rào được dựng lên, việc đổ trộm rác, phế thải vẫn khó kiểm soát nếu chính quyền “lơ là”.

“Điểm nóng” vi phạm là địa bàn các phường Tứ Liên, Quảng An (Tây Hồ); Ngọc Thụy, Bồ Đề, Long Biên (Long Biên); Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm); Phúc Xá (Ba Đình); Bạch Đằng (Hai Bà Trưng). Đáng ngại là tình trạng này bắt đầu lan nhanh đến các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín…

a4.jpg
Lực lượng chức năng quận Tây Hồ phá dỡ lán trại được dựng trái phép trên đất bãi sông Hồng, địa bàn phường Tứ Liên, tháng 2-2023. Ảnh: Hương Ly

Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Xây dựng Hà Nội lại cho thấy, cao trình 25 mặt cắt ngang bãi sông Hồng hiện cao hơn 0,7-0,8m ở bờ trái và khoảng 1m ở bờ phải so với năm 1979. Như vậy, báo động 1 sẽ không còn là mức nước bắt đầu tràn bãi nữa. Hiện tượng này phần lớn là do cư dân trong quá trình lấn chiếm bãi sông đã tôn cao nền đất ở và đất vườn, làm thay đổi thế sông và kèm theo là giảm khả năng thoát lũ (nếu có).

Tính cả hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, vùng đất bãi có diện tích hàng chục nghìn héc-ta. Từ bao đời nay, những rẻo đất bãi được canh tác “ăn chắc” trong khoảng 8 tháng nhưng đã góp phần nuôi sống hàng vạn hộ gia đình.

Cuối thế kỷ XX, sau khi chế độ thủy văn của sông Hồng thay đổi do việc phát triển thủy điện phía thượng nguồn, bãi sông cũng được khai thác mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, về cơ bản, đây vẫn là những khu vực cho hiệu quả kinh tế thấp, tự phát và chưa có chiến lược phát triển.

Đánh thức "không gian vàng" phát triển

Ổn định lòng dẫn ở thế sông có lợi nhất đang là yêu cầu bức thiết để thực hiện các quy hoạch khai thác đối với sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Một vấn đề quan trọng khác là đưa ra hình thái đô thị phù hợp với ngữ cảnh sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục cảnh quan, hướng đến xây dựng một Thủ đô hiện đại là vấn đề hóc búa nhất hiện nay.

Điều đáng mừng là việc UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045-QĐ/UBND ngày 25-3-2022 phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây là dấu mốc lịch sử mở ra “cơ hội vàng” cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn bộ khu vực hai bên bờ sông, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở nói riêng và của toàn bộ Thủ đô nói chung.

Động thái nói trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ. Trong đó, các ý kiến đều hướng tới sự đồng thuận cao là trục sông Hồng trở thành trục hoàng đạo, trục phát triển chính của Hà Nội, đưa thành phố “cơ bản một bên sông” hiện nay thành đô thị hai bên sông - một thành phố đổi mới sáng tạo, đô thị kết nối toàn cầu như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đặt ra.

a5.jpg
Sông Hồng sẽ là trục phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Theo GS.TS Lương Phương Hậu, để trục sông Hồng thành hiện thực, việc ổn định thế sông là tất yếu và yêu cầu trước hết phải ổn định lòng dẫn mùa nước có cao trình ngang bãi. Vì thế, chỉnh trị đoạn sông Hồng qua Hà Nội phải được xem xét một cách tổng thể, ít ra là từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên và một phần sông Đuống, sông Luộc. Vì thế, Hà Nội nên đề xuất Chính phủ có ngay quy chế quản lý đối với sông Hồng và xúc tiến thành lập một bảo tàng sinh thái như nhiều nước vẫn làm.

Ngoài ra, việc chỉnh trị chính là "thỏa thuận lại" với dòng sông. Theo đó, những đoạn phân lạch từ cầu Thăng Long đến cửa sông Đuống và từ cửa sông Đuống đến cầu Thăng Long có thể duy trì hai lạch, nhưng cần ổn định lạch chính ở bờ trái để bảo đảm chạy tàu thủy thuận lợi. Những đoạn bờ cong có tác dụng định hướng thế sông như đoạn Tàm Xá, Ngọc Thụy, Thanh Trì chỉ nên sử dụng giải pháp gia cố bờ trực tiếp, không nên sử dụng mỏ hàn, công trình cọc để hướng dòng chảy...

a6.jpg
Vùng đất bãi sông Hồng diện tích hàng chục nghìn héc-ta dường như đang “ngủ quên”. Ảnh: Hànộimới

Nhận thức rõ tầm quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng với sự phát triển của Thủ đô, Hà Nội đã đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng, như: “Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông; di dời các khu nhà ở không an toàn, kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…”.

Về mặt hình thái, đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông. Sông Hồng trở thành dòng sông nằm giữa khu vực đô thị phía Bắc - Nam Thủ đô, chảy qua trung tâm thành phố. Khu vực này cũng hướng tới là trung tâm thương mại, phức hợp, tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ bền vững.

Về vấn đề quy hoạch và sử dụng đất, Giáo sư Đào Xuân Học (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc cải tạo sông Hồng là hết sức cần thiết. Để có nguồn lực thực hiện, Hà Nội nên đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng đất bãi như đất xây dựng. Đây chính là động lực, tạo cơ sở để thành phố có thể hiện thực hóa mọi hoạch định liên quan đến phát triển trục cảnh quan sông Hồng như mong đợi.

Chắc chắn, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội về lâu dài sẽ là "không gian vàng" cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của Thủ đô. Sớm quản trị tốt đoạn sông này để bảo đảm thoát lũ, gia tăng quỹ đất, tạo cảnh quan đô thị là việc làm cần bắt đầu ngay từ hôm nay.

(Còn nữa)

logo-dien-tu2-02.jpg
(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng” Bài 2: “Thỏa thuận lại” với dòng sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.