Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: "Bệnh" đùn đẩy, né tránh

Hà Phong| 21/12/2015 06:17

LTS: Trong bối cảnh chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), việc xử lý đơn thư của công dân còn khá nhiều bất cập. Giải pháp nào để khắc phục?


Bài đầu: "Bệnh" đùn đẩy, né tránh

Khiếu nại và tố cáo là các quyền cơ bản, là phương thức để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, quyền làm chủ của mình trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, số lượng người đến các cơ quan Trung ương khiếu kiện vượt cấp không ngừng gia tăng cho thấy, một bộ phận người dân chưa hài lòng với hoạt động tiếp dân ở cấp cơ sở.

Công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng vẫn là lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua. Ảnh: Anh Tuấn


Vấn đề "nóng": Năng lực cán bộ


49 địa phương xuất hiện đoàn đông người - đó là sự ghi nhận của Ban Tiếp công dân Trung ương trong quá trình tiếp công dân năm 2015. Cụ thể, trong thời gian này, trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 27.834 lượt người đến trình bày 7.645 vụ việc. Qua xem xét hồ sơ, có 2.667 việc chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cùng thời gian này, Ban cũng tiếp 769 lượt đoàn đông người từ 49 địa phương, tiếp nhận 17.777 đơn, thư. Qua xử lý đã phát hành 3.465 văn bản hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chuyển 1.128 vụ việc cho các cục, vụ kiểm tra rà soát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công…

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), mặc dù Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều quy định cụ thể về tiếp công dân, nhưng nhiều cơ quan chưa thực hiện tốt. Thậm chí, nhiều nơi rất sợ luật sư tham gia tiếp dân. Từng tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân, luật sư Lương Quang Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư An Thái đánh giá, mấu chốt của các điểm "nóng" tại các địa phương chính là vấn đề cán bộ. Hiện, các bộ phận tiếp dân chỉ tiếp nhận, chuyển đơn thư. Trong khi đó, những vụ việc dân bức xúc dẫn đến khiếu kiện kéo dài hầu hết đều có liên quan đến các dự án thu hồi đất, câu chuyện lợi ích nhóm, lợi ích gia đình. "Tôi từng chứng kiến những vụ việc chính chủ tịch tỉnh là người ký quyết định phê duyệt dự án mà lại chuyển đơn, thư về cho cấp cơ sở giải quyết thì sao bảo đảm khách quan" - luật sư Lương Quang Tuấn nói.

Lãnh đạo "trốn" công dân?

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương dẫn chứng: "Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu chúng ta giải quyết khiếu nại từ năm đầu thì đâu phải đến 10 năm sau ông Chấn mới được giải oan?!". Theo ông Đỗ Văn Đương, ở một số cơ quan có hiện tượng người năng lực kém thì sắp xếp vào các vị trí tiếp dân, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo.

Nhận định của ông Đỗ Văn Đương và luật sư Lương Quang Tuấn đã nêu lên một thực tế đang tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại hiện nay. Đó là không ít CBCC đảm đương nhiệm vụ này yếu kém về nghiệp vụ, chưa làm hết tinh thần trách nhiệm. Luật Tiếp công dân quy định: Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương ít nhất 1 ngày/tháng. Bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh ít nhất 2 ngày/tháng và với cấp xã ít nhất 1 ngày/tuần.

Quy định là thế nhưng thực tế vẫn có hiện tượng lãnh đạo "trốn" công dân. Trao đổi với báo chí sau hơn một năm thực hiện Luật Tiếp công dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn thừa nhận, qua kiểm tra, việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng, nhất là việc kiện toàn Ban tiếp công dân. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc; vận dụng pháp luật cứng nhắc, chưa bảo đảm quyền, lợi ích của công dân. Có trường hợp bị áp lực công việc dẫn đến thái độ khi giao tiếp với công dân chưa đúng mực, khiến những vụ việc đơn giản trở nên phức tạp.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2015, hoạt động thanh tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết KNTC tại cấp cơ sở đã được chú trọng, nhất là ở một số nơi chưa quan tâm thường xuyên, có tâm lý ngại va chạm, nhưng vẫn phát hiện cán bộ tiếp công dân chuyển hồ sơ khiếu nại lòng vòng. Trước đó, từ năm 2011 đến tháng 6-2014, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và nhiều chủ tịch các quận, huyện trên địa bàn chưa chấp hành nghiêm quy định về tiếp công dân đối với người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Kết quả thanh tra trách nhiệm do Thanh tra Chính phủ thực hiện cho thấy: Trong kỳ thanh tra (từ năm 2011 đến tháng 6-2014) Chủ tịch UBND thành phố và các phó chủ tịch mới chỉ tiếp công dân 15/42 ngày theo quy định (đạt 35%); lãnh đạo UBND quận Tân Bình chỉ tiếp 48/72 ngày (đạt 67%), trong đó chủ tịch UBND quận chỉ tiếp có 2 ngày (đạt 3%); lãnh đạo UBND Quận 7 chỉ tiếp 25/72 ngày (đạt 35%); lãnh đạo UBND quận Tân Phú chỉ tiếp 30/72 ngày (đạt 42%), trong đó chủ tịch UBND quận tiếp 5 ngày (đạt 7%)... Thanh tra Chính phủ đã đề nghị kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định đối với Chủ tịch UBND quận Tân Phú, Quận 6, huyện Hóc Môn, Quận 7 vì không kịp thời giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền; giải quyết không tuân thủ trình tự thủ tục; không đối thoại và tiếp công dân theo quy định…

Tại Hà Nội, trong năm 2015, vẫn còn nhiều người KNTC, tập trung vào giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mô hình một số chợ, công tác dồn điền đổi thửa… Song song với xử lý đúng pháp luật những trường hợp lợi dụng quyền KNTC, kích động tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ một số hạn chế trong công tác giải quyết đơn thư cần khắc phục ngay trong năm 2016. Đó là một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ; chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo xử lý, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tồn đọng. Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện các quyết định khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở cấp huyện còn chậm dù chỉ là cá biệt, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: "Bệnh" đùn đẩy, né tránh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.