(HNM) - Không có cách nào chống được làn sóng sản phẩm
"Hồn Việt" dẫn đường
Như đã phân tích ở bài trước, bởi những người sáng tạo trong ngành mỹ thuật ứng dụng của ta chưa tạo ra được những tác phẩm thiết thực, được ưa chuộng nên khó có thể chống được "đại dịch sản phẩm ngoại lai". Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Mười nhấn mạnh: "Hơn ai hết, các nghệ sĩ phải để "hồn Việt" dẫn đường trên con đường sáng tạo, nếu không, tác phẩm của họ chỉ như một cái xác khô, làm sao đến được với người dân".
Với mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân, việc phát triển khuynh hướng dân tộc trong tác phẩm, sản phẩm sẽ giúp họ nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Ảnh: Tấn Lộc |
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, tính dân tộc và nét riêng biệt là yếu tố quyết định thành công. Nói vậy không có nghĩa là ta chối từ tinh hoa, sự tốt đẹp mà thế giới mang lại. Nghệ thuật mới du nhập có thể tạo ảnh hưởng, chi phối hoạt động sáng tạo của nhiều nghệ sĩ nhưng không thể tạo ra sự lai tạp nếu người nghệ sĩ biết tiếp nhận một cách có chọn lọc, kế thừa truyền thống để hình thành những tác phẩm phù hợp với yêu cầu của cuộc sống đương đại. Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân thẳng thắn: "Ta đang tự "Hán hóa" mình do không nhận thức đầy đủ, thiếu hiểu biết; không trân trọng truyền thống, tức là bỏ đi thế mạnh số một của thiết kế hiện đại". Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Giang (Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho rằng: "Ta cần có nghiên cứu chuyên sâu về những di sản trong văn hóa, mỹ thuật truyền thống để tạo cơ sở, nền tảng cho việc định hướng phong cách sáng tạo mỹ thuật ứng dụng hiện đại. Điều đó không đồng nghĩa với việc quay trở lại quá khứ, mà để thẩm thấu tinh thần của nghệ thuật truyền thống nhằm có được phương thức truyền tải những yếu tố tinh hoa trong bản sắc văn hóa nghệ thuật Việt, kết hợp với ngôn ngữ thiết kế, công nghệ, kỹ thuật, chất liệu hiện đại, từ đó tạo ra cấu trúc mở trong sáng tác, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, cái hiện đại trong tiến trình hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của người Việt".
Với mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân, việc phát triển khuynh hướng dân tộc trong tác phẩm, sản phẩm gần như chắc chắn giúp họ nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Điều này có liên quan đến vấn đề đào tạo họa sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Họa sĩ Huỳnh Văn Mười cho rằng, ngoài việc đào tạo kỹ năng, kỹ thuật thể hiện, các chương trình giáo dục nên hướng đến những hoạt động tìm hiểu thực tế, lịch sử, truyền thống để người nghệ sĩ biết tự hào về lịch sử dân tộc, các thành tựu của cha ông để lại, am hiểu và trân trọng văn hóa cổ truyền. Có như vậy thì sự sáng tạo của họ mới gần gũi và phù hợp với người Việt.
Cần có chiến lược quốc gia
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã nói: "Có thể chúng ta có những giai đoạn sống chỉ nghĩ đến hôm nay hay ngày mai ăn gì, mặc gì, ở đâu, nhưng không thể cứ như thế mãi. Chúng ta cần nghĩ mình là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta đã làm gì, đang làm gì và sẽ đi về đâu…". Câu chuyện đó áp vào mỹ thuật ứng dụng, nhưng không chỉ liên quan đến mỹ thuật ứng dụng mà thôi. Khẳng định cá tính, bản sắc Việt trong môi trường hội nhập sâu rộng là một thử thách lớn, đòi hỏi sự quan tâm, chung chí hướng và nỗ lực không chỉ từ phía các nghệ sĩ, mà cả từ các nhà quản lý, giới khoa học…
TS Trần Trọng Dương thẳng thắn: "Đừng cảm thấy xấu hổ khi nhận rằng trình độ học vấn của chúng ta có thể cao, nhưng trình độ nghệ thuật, mỹ thuật mới như trẻ lớp một". Sự thiếu hiểu biết là thủ phạm dẫn đến việc sử dụng tràn lan hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại di tích và công trình công cộng hiện nay. Nó khiến những nhà hảo tâm cung tiến hiện vật không phù hợp, thậm chí gây phản cảm.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, nhiệm vụ của những người làm mỹ thuật, những nhà quản lý, hoạt động văn hóa là nói rõ sự tai hại, những điểm không hợp lý của việc sử dụng các hiện vật ngoại lai một cách bừa bãi. Mặt khác, chúng ta phải tích cực tuyên truyền cái hay, cái đẹp, cái lợi nếu đặt trước nhà một linh vật Việt Nam nào đó. Chẳng hạn như sư tử đá thời Lý là biểu trưng cho sức mạnh vô song của Phật pháp, không một tà ma nào có thể gây hại. Hãy tuyên truyền về đức Thánh Gióng - biểu trưng cho sức mạnh, biểu trưng cho chiến công và chiến thắng; về đức Thánh Trần - biểu trưng cho tinh thần bách chiến bách thắng, sự trung thực, ngay thẳng, trấn trị mọi tai ách, tà ma… Tại sao cứ nhất thiết phải là bức tượng Quan Công?
Mỹ thuật ứng dụng ngày nay không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa làm đẹp cho sản phẩm, công trình hay bộ mặt đô thị, mà còn góp phần thay đổi giá trị của chúng, là giải pháp cho các vấn đề văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, chính sách phát triển quốc gia cho lĩnh vực này là cần thiết và nên bắt đầu từ việc kết nối "bộ ba" người sáng tạo - người sản xuất, doanh nghiệp - người tiêu dùng. Những động thái tích cực gần đây của các cơ quan chức năng, giới mỹ thuật, các nhà khoa học nhằm phát huy vai trò quan trọng của mỹ thuật ứng dụng đối với đời sống và tìm cách sử dụng các biểu tượng thuần Việt thay thế cho các linh vật xa lạ với văn hóa Việt Nam, coi đó như giải pháp bảo vệ, phát huy, làm phong phú sản phẩm Việt là rất đáng ghi nhận. Song, để hướng đến một mục tiêu phát triển thương hiệu Việt bền vững thì cần có một chiến lược mang tính quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.