(HNM) - Giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội tiếp tục thoái vốn 96 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hầu hết là DN có quy mô vốn lớn, đông lao động, hoạt động trên nhiều lĩnh vực... Không ít vấn đề đặt ra sau cổ phần hóa những DNNN và một trong số đó chính là phải xác định rõ mô hình quản lý DN.
Đánh giá giá trị sau CPH
Dù đã có nhiều DNNN được CPH, nhưng việc đánh giá hiệu quả cụ thể của các DN để triển khai giai đoạn tiếp theo vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Ngọc Nam cho biết, giai đoạn 2011-2015, TP Hà Nội đã rất tích cực trong công tác CPH các DNNN. Nhưng để đo đếm được chất lượng sau CPH, bản thân mỗi DN cần đánh giá cụ thể giá trị gia tăng sau CPH, phát huy mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế. Chỉ khi phân tích, đánh giá kỹ tính tích cực; thực hiện minh bạch tài chính thì mới thu hút nhà đầu tư.
Đồng tình quan điểm này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, cần thiết phải làm rõ tính hiệu quả sau CPH vì qua giám sát thực tế tại một số DN sau CPH vẫn chưa thấy DN thực hiện, khẳng định rõ được hiệu quả theo các tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, khi đề nghị DN báo cáo phương pháp, cách thức minh bạch tài chính của DN thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung hoặc chưa trả lời ngay. Có thể kể đến như ở Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội...
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Công Bình cho biết thêm, thời gian qua, việc sắp xếp, CPH hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, quá trình thực hiện không có luật hướng dẫn mà chỉ căn cứ theo các nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, việc chuyển mô hình sở hữu rất phức tạp, liên quan đến quyền lợi kinh tế các bên liên quan. Chưa kể, Hà Nội vẫn đang loay hoay với mô hình quản lý phần vốn nhà nước. Hiện đang có mô hình tổ quản lý phần vốn nhà nước, nhưng thành viên tổ đồng thời cũng là cổ đông góp vốn, tham gia điều hành trực tiếp tại DN, nên rất dễ lấn vai, không rõ lúc nào ở vai đại diện nhà nước, lúc nào đại diện cho cổ đông góp vốn. Điển hình như ở Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây, với đa số là vốn nhà nước, song tổ quản lý phần vốn này đều là cán bộ, công nhân viên của công ty, đồng thời cũng là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc điều hành, kế toán trưởng.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc cổ phần hóa các công ty con. |
Đề xuất từ thực tiễn
Từ kinh nghiệm thực hiện CPH tại 4 công ty con thuộc tổng công ty (gồm: Công ty cổ phần Thủy Tạ, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng đề nghị, thành phố nên thoái 100% vốn ngay từ đầu, không nên làm theo từng giai đoạn vì cán bộ, người lao động dễ tâm tư, bán lại không được giá. Ông Nguyễn Hữu Thắng dẫn chứng, DN chuẩn bị CPH có giá trị vốn 100 tỷ đồng, nếu thoái hết vốn thì nhà đầu tư có thể sẽ mua với giá cao khoảng gấp hai lần, bởi khi đó, họ kiểm soát hoàn toàn về chiến lược, lợi nhuận kinh doanh. Nhưng nếu Nhà nước chỉ thoái vốn 49% hoặc 35%, thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ mua ở mức rẻ hơn, chỉ khoảng 1,2 lần giá trị cổ phiếu bởi còn có chung sự kiểm soát. Như vậy, nếu bán hết 100% vốn thì Nhà nước có lợi hơn, ngân sách thu về nhiều hơn.
Quyết tâm thực hiện thoái vốn DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12-9-2016, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND thoái vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Trong đó nêu rõ mục tiêu: “Nhà nước chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các DN theo quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ), đối với các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ thì bán hết, tập trung vào những DN có tỷ lệ vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, lựa chọn thời điểm thích hợp bán cổ phần để có hiệu quả”. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ thực hiện CPH 96 DNNN với 5 mục tiêu: Ổn định, doanh thu tăng, bảo đảm đời sống cho người lao động, tổ chức chính trị - xã hội trong DN không thay đổi và vẫn giữ được vai trò Nhà nước.
Theo đại diện Sở Tài chính, những DNNN dễ thực hiện CPH thì đã thực hiện trong giai đoạn trước, giai đoạn này còn lại những DNNN lớn, phức tạp, nhiều lao động, nên bước đi CPH cần phải thận trọng. Thành phố cần giao cho các ngành chức năng đánh giá rõ hiệu quả kinh tế từng mục như lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động, tính ổn định của đơn vị… sau CPH, đồng thời cần tìm mô hình quản lý vốn nhà nước sau CPH, xác định đơn vị quản lý. “Hiện tại, quy định chức năng giám sát về tài chính cũng chưa đầy đủ vì ngay Sở Tài chính cũng không được nhận báo cáo tài chính của DNNN sau CPH, mà chỉ có 3 đơn vị nhận được là Cục Thống kê, Cục Thuế và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nếu Sở Tài chính muốn biết về tình hình tài chính của DN sau CPH thì phải yêu cầu tổ quản lý vốn báo cáo. Đây là bất cập cần được khắc phục trong thời gian tới” - Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Công Bình kiến nghị.
Việc sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN là yêu cầu và xu thế tất yếu đặt ra. Việc này đã tổ chức thực hiện trong nhiều năm. Bước vào thực hiện kế hoạch giai đoạn mới, các ngành, cơ quan tham mưu cần đánh giá rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất giải pháp hữu hiệu với các cơ quan có thẩm quyền nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, giúp việc triển khai thực hiện kế hoạch thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.