(HNM) - Trước thực trạng chất lượng không khí có xu hướng suy giảm, thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí, góp phần cải thiện môi trường Thủ đô. Để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường...
Giảm thiểu nguồn phát thải ô nhiễm
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, thời gian qua thành phố Hà Nội tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cùng với việc xây dựng thêm vườn hoa, công viên, thành phố đã đẩy mạnh tạo dựng các không gian xanh trong lòng thành phố, khi hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và đang tiếp tục trồng thêm hàng trăm nghìn cây tiếp theo. Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tiếp nhận và đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động nhằm đánh giá hiện trạng, từ đó làm căn cứ xây dựng giải pháp xử lý ô nhiễm không khí một cách hiệu quả.
Nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc để góp phần giảm thiểu nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Trong đó, quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương đi đầu trong việc quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ bếp than tổ ong. “Trong 3 năm gần đây, quận đã xóa được 2.411/2.525 bếp than tổ ong; phấn đấu đến hết 30-6-2020 sẽ hoàn thành việc "xóa" bếp than tổ ong”, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Minh Phương thông tin.
Còn tại huyện Đan Phượng, theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thiều Văn Son, trong 3 năm nay, mỗi năm huyện đều hỗ trợ chế phẩm sinh học để nông dân ủ rơm thành phân bón. Gần đây, máy làm đất cũng đã giúp làm nát rơm, tăng lượng mùn cho đất nên tình trạng đốt rơm giảm đáng kể.
Cùng với phong trào sống "xanh" đang lan tỏa trong mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình với việc xuất hiện những không gian xanh tại các trụ sở, trong mỗi căn hộ, các phong trào biến bãi rác thành vườn hoa; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần giảm ô nhiễm môi trường không khí.
Cần sự tham gia tích cực của người dân
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, ngay sau buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23-5-2020, Sở đã tham mưu với UBND thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí trong năm 2020. “Hiện nay, tất cả giải pháp trước mắt và lâu dài đều đang được thành phố triển khai. Song, để đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đặc biệt là từng người dân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không khí”, ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.
Trước mắt, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Mai Trọng Thái, với những ngày chất lượng không khí ở mức "kém" hoặc "xấu", "rất xấu", UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các công ty môi trường đô thị cùng các quận, huyện, thị xã tăng tần suất sử dụng xe hút bụi/rác, xe tưới nước rửa đường. Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố tăng cường lực lượng điều tiết giao thông, giảm ùn tắc trong giờ cao điểm. Sở Xây dựng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa, giảm phát tán bụi, khí thải ra môi trường…
Bên cạnh đó, thành phố đã và đang phát triển hệ thống vận tải công cộng để thay thế việc sử dụng phương tiện cá nhân; đồng thời nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông phù hợp, có chế tài để hạn chế, từng bước loại bỏ phương tiện lạc hậu, cũ nát...
Về giải pháp lâu dài, thành phố vẫn cần có một chiến lược phát triển "xanh", xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường phối hợp với các địa phương lân cận để xử lý các vấn đề về ô nhiễm không khí mang tính liên tỉnh...
Một giải pháp quan trọng khác, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức mỗi người dân trong bảo vệ môi trường. “Nếu người dân Thủ đô không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân bằng sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng và xây dựng những không gian xanh có tác dụng điều hòa không khí trong mỗi gia đình… thì cuộc chiến chống ô nhiễm không khí sẽ sớm giành thắng lợi”, ông Lê Tuấn Định nói.
Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ, nên việc thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường không đơn giản. Tuy nhiên, sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, cùng những giải pháp căn cơ của mỗi địa phương cũng như cộng đồng ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô, chắc chắn sẽ tạo được bước chuyển tích cực. Chất lượng không khí sẽ dần được cải thiện theo hướng bền vững, góp phần từng bước xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Ngày 11-6, Tổ công tác liên ngành gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT và Công an thành phố Hà Nội làm việc với các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây về tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn các địa phương vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ. Để cải thiện triệt để tình trạng này, Tổ công tác đề nghị các địa phương quyết liệt tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ; tổ chức ký cam kết tới từng hộ sản xuất lúa; hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.