(HNM) - Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” vừa được Thành ủy Hà Nội khóa XVII ban hành. Đây là lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định đây là những yếu tố “thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao
Thời gian qua, dù hoạt động khoa học và công nghệ của Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trước thực tiễn đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định một trong những khâu đột phá của thành phố trong thời gian tới là dựa trên nền tảng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong nhiệm kỳ trước, Thành ủy Hà Nội không xây dựng chương trình riêng về khoa học, công nghệ mà nhiệm vụ này nằm trong Chương trình số 04-CTr/TU khóa XVI về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, Chương trình số 07-CTr/TU đề ra mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 7 chỉ tiêu và 4 yêu cầu về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu chung là: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực”.
5 mục tiêu cụ thể được đề ra, thứ nhất là, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Thứ hai là trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể tiếp theo là hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045. Thứ tư là trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á. Thứ năm là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.
Thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trên, Chương trình số 07-CTr/TU đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một là, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Hai là, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển các giải pháp đồng bộ về tài chính và đầu tư; khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên 1% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) Thủ đô. Đặc biệt, sẽ phối hợp xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc...
Ba là, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Hà Nội sẽ xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến... Triển khai các chương trình, giải pháp kết nối hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô gắn với nhu cầu đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp...
Bốn là, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Về nhiệm vụ này, Hà Nội sẽ rà soát, cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ theo hướng tinh gọn, thiết thực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp lớn trên địa bàn, chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và truyền thông; y tế; công nghiệp; nông nghiệp; bảo vệ môi trường; quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, phát triển hạ tầng - đô thị...
Năm là, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, kết nối toàn quốc và quốc tế. Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội tiến tới là sàn giao dịch công nghệ quốc gia kết nối liên thông với các trung tâm công nghệ lớn của khu vực và thế giới. Phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); triển khai đầy đủ các nội hàm của “Thành phố sáng tạo”…
Sáu là, tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập. Trong đó, chú trọng xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Với hàng loạt mục tiêu, yêu cầu và những giải pháp đồng bộ, căn cơ, cùng lộ trình triển khai cụ thể gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tin tưởng rằng, Chương trình số 07-CTr/TU sẽ gặt hái được nhiều thành công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
→ Xem toàn bộ nội dung Chương trình số 07-CTr/TU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.