(HNM) - Ngoài những ý nghĩa, tác động lớn tạo ra đối với sự phát triển liên vùng và từng địa phương trong phạm vi liên kết của tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, người dân các quận, huyện, thành phố nơi tuyến đường đi qua cũng đang cảm nhận rõ những giá trị thiết thực, gần gũi mà tuyến đường mang lại. Trong khâu đầu tiên, thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù, tái định cư để thực hiện dự án, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân cũng là yêu cầu đặt ra đầu tiên.
Mở đường, mở ra nhiều cơ hội
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội và hai tỉnh: Bắc Ninh và Hưng Yên, được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, từ đó là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, tuyến đường khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn. Tuyến đường vận hành cũng sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến, tác động toàn diện các mặt kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, với tác động đầu tiên về mặt giao thông, đường Vành đai 4 sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, logistics và nâng cao giá trị các hành lang ven đường; tạo tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cũng như các tỉnh được hưởng lợi từ tuyến đường. Dự đoán GRDP sẽ tăng 0,3-0,7%.
“Nhìn vào những giá trị mà tuyến đường mang lại, dễ thấy đó là những lợi ích mà người dân của những địa bàn nơi tuyến đường đi qua được thụ hưởng trước tiên. Bởi khi hai bên đường mở ra sẽ kéo theo nhiều cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa… góp phần nâng cao dân trí, tạo công ăn việc làm, nâng tầm chất lượng cuộc sống, cải thiện thu nhập cho người dân, đặc biệt với các huyện ngoại thành của Hà Nội, khu vực đang cần những đòn bẩy về hạ tầng giao thông để phát triển”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Là một trong 3 địa phương có đường Vành đai 4 đi qua, tỉnh Hưng Yên kỳ vọng đây sẽ là một trong những động lực thúc đẩy phát triển, liên kết vùng. Về kế hoạch đầu tư hạ tầng thời gian tới, 4 huyện có đường Vành đai 4 đi qua là Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm đều có nhiều dự án giao thông mới với kỳ vọng nâng cấp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tận dụng mọi khả năng kết nối với Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô.
Còn với tỉnh Bắc Ninh, địa phương có diện tích nhỏ trong khi tốc độ phát triển công nghiệp lớn, dẫn đến tăng cơ học dân số. Lưu lượng phương tiện và hàng hóa cũng tăng, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỉnh bắt đầu có dấu hiệu quá tải về hạ tầng xã hội. Thêm vào đó, theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển trong tương lai không xa.
Mặc dù không nằm trong khu vực có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, song Vĩnh Phúc và Bắc Giang, hai địa phương có vị trí nằm ở điểm đầu và điểm cuối của dự án, cũng đón đầu cơ hội phát triển kinh tế. Với tỉnh Bắc Giang, tỉnh luôn nằm trong tốp những địa phương phát triển nhanh với hàng loạt các khu công nghiệp nên vị trí tiếp giáp ở điểm cuối của tuyến đường sẽ mang lại cho tỉnh thêm cơ hội thuận lợi trong thu hút vốn FDI. Đáng chú ý, với việc điều chỉnh bổ sung thêm 9km tuyến nối từ điểm cuối dự án đến quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang giúp cho huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) tiến gần hơn với mục tiêu trở thành đô thị cửa ngõ liên kết Vùng Thủ đô Hà Nội.
Còn với vị trí tiếp giáp điểm đầu dự án đường Vành đai 4 kết nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) có vị trí giao thông thuận lợi như nằm gần sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến giao thông quan trọng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường sắt Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 2, quốc lộ 23. Hiện Vĩnh Phúc có kết nối giao thông rất cao với Hà Nội, nếu thêm đường Vành đai 4, sẽ mở rộng kết nối với cả Vùng Thủ đô, giúp người dân thuận tiện cho giao thương.
Trong cuộc họp thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 được tổ chức vào tháng 5-2022, lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang đều cam kết sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các quy hoạch liên quan, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông có tính kết nối với tuyến đường Vành đai 4 để bảo đảm khớp nối đồng bộ về quy hoạch nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng khung của Vùng Thủ đô.
Bảo đảm cuộc sống cho người dân trong phạm vi ảnh hưởng
Phát biểu phát động thi đua tại hội nghị cam kết tiến độ và ký cam kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội diễn ra vào chiều 30-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã nhấn mạnh việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao độ để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tăng cường năng lực chỉ đạo của Ban chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, đặc biệt các đối tượng có đất bị thu hồi. Các cấp, ngành, địa phương có biện pháp thiết thực, cụ thể bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định để sớm ổn định được nơi ở, việc làm, cuộc sống.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, trong các bước chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư hiện nay, các địa phương đều chăm lo giải quyết quyền lợi của người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án.
Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Bùi Tất Thêm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, từ nhiều tháng nay, xã đã thông tin tới cán bộ, nhân dân trên hệ thống truyền thanh, tại các cuộc họp xã, thôn về dự án đường Vành đai 4. Thời gian tới, ngay sau khi địa phương được bàn giao mốc giới, các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật cũng sẽ được khẩn trương hoàn thành, trong đó nguyên tắc đầu tiên là bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân.
Tại huyện Thanh Oai, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua có chiều dài 7,9km, thuộc địa phận 6 xã, tổng diện tích đất thu hồi là 88,41ha; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 1.501 hộ; tái định cư 36 hộ. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai đồng thời 3 dự án thành phần, gồm: 1 dự án khu tái định cư đất ở tại thôn Thượng, xã Cự Khê (khoảng 1,9ha) và 2 dự án mở rộng nghĩa trang tại 2 xã: Cự Khê và Mỹ Hưng (khoảng 2,6ha). Cả 3 dự án thành phần trên sẽ thực hiện song song với dự án đường Vành đai 4.
“Dự án thành phần khu tái định cư đất ở tại thôn Thượng, xã Cự Khê có vị trí hoàn toàn hợp lý, là khu đất đã được huyện quy hoạch đất ở. Ngoài ra, khu đất với vị trí đẹp, sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân ổn định đời sống, phát triển sinh kế. Hiện tại, huyện đã giao phòng, ban chuyên môn lập, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, trong đó có 126 ô đất, tổng diện tích khu tái định cư khoảng 1,9ha”, ông Bùi Văn Sáng thông tin thêm.
Cam kết thực hiện theo giao ước thi đua và bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đã nhận diện những khó khăn riêng trong công tác giải phóng mặt bằng tại từng địa phương để tập trung tháo gỡ trên tinh thần tuyên truyền, vận động; tạo đồng thuận cao đối với dự án. Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai địa phương đều đã ban hành những chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc thực hiện đúng các quy định pháp luật, các chính sách liên quan, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó bảo đảm vận dụng tối đa các chính sách để người dân được hưởng lợi ở mức cao nhất đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại và tiến độ của khâu giải phóng mặt bằng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.