(HNM) - Để phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân, tích cực tham gia góp ý với Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên cần duy trì đồng thời hai hình thức góp ý, phê bình là: Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
Trước hết là hình thức dân chủ đại diện. Cho đến nay, quần chúng, nhân dân ta đã quen thuộc với hình thức này và hệ thống chính trị nước ta đã có nhiều tổ chức đại diện cho người dân. Đảng, Nhà nước cũng ban hành không ít quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, không phải cơ quan, đại biểu đại diện nào của nhân dân cũng làm tròn chức năng, nhiệm vụ phản ánh đúng đắn, đầy đủ ý kiến, kiến nghị nguyện vọng, nhu cầu, vấn đề bức xúc chính đáng của người dân đến các cơ quan chức năng để giải quyết. Thậm chí, có những người đại diện của dân không dám hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì lợi ích của người dân. Do vậy, việc tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng tới đây cần được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch cụ thể, cung cấp thông tin; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Cơ chế giám sát đầu tư cho cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Bá Hoạt |
Cụ thể, trước khi tổ chức hội nghị, các đại biểu dân cử cần có những cuộc tiếp xúc, đối thoại, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân về tổ chức Đảng (TCĐ), về phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú. Khi góp ý, cần tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở; làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, TCĐ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, về những hạn chế, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên cũng như gia đình họ.
Về hình thức dân chủ trực tiếp. Từ lâu, nhất là từ khi thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), Đảng ta đã chủ trương: Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hoạt động của Nhà nước, của hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp. Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ xây dựng "cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp" và "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp".
Trong những năm qua, một số hình thức dân chủ trực tiếp trong xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực, thu được những thành tích ban đầu. Việc Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 30/CT-TƯ ngày 18-2-1998 "Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở" đã mở ra nhiều hình thức dân chủ trực tiếp như xây dựng chế độ tự quản ở khu dân cư; xây dựng, thực hiện cơ chế giám sát đầu tư cộng đồng; lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã; bầu trực tiếp trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, khu dân cư... Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã tiến hành một số hình thức dân chủ trực tiếp trong nội bộ TCĐ và thu được những kết quả, kinh nghiệm bước đầu như bầu cử trực tiếp cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư ở cấp cơ sở.
Từ quá trình xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở nhiều nơi, việc thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp để quần chúng, nhân dân góp ý, phê bình TCĐ và cán bộ, đảng viên có thể rút ra một số kinh nghiệm để vận dụng vào công việc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Trước tiên, tổ chức, cấp ủy Đảng cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, quán triệt thật sâu sắc quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dựa vào dân để xây dựng Đảng", thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân; động viên khuyến khích, phát huy sáng kiến, tăng cường đối thoại để người dân đóng góp ý kiến phản biện xã hội và giám sát công việc của TCĐ, chính quyền, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là 3 vấn đề mà nghị quyết nêu cũng như những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở.
Trước khi lấy ý kiến góp ý, phê bình, cấp ủy, TCĐ cần công khai kết quả tự phê bình và phê bình của tập thể cấp ủy, của cán bộ, đảng viên để quần chúng, nhân dân được biết, được kiểm tra, giám sát, đối chiếu với thực tiễn ở cơ sở, đơn vị, nơi cư trú của cán bộ, đảng viên. Cần thiết tổ chức bộ phận sắp xếp lịch tiếp dân, trong đó có người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị để tiếp nhận đơn, thư, ghi chép những phát hiện, phản ánh của quần chúng, nhân dân về những vấn đề liên quan đến tổ chức, cán bộ, đảng viên. Mở hòm thư góp ý tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị để tiếp nhận thư từ góp ý của quần chúng, nhân dân. Phân công cán bộ, đảng viên tiếp nhận thư, phân loại, ghi chép để tổng hợp, phản ánh lên cấp có thẩm quyền giải quyết. Cần giữ bí mật, bảo vệ những người kiến nghị, phản ánh, phát hiện sai phạm của tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên.
Sau khi tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh, phát hiện của quần chúng, nhân dân, cấp ủy, TCĐ cần xem xét, kết luận, xử lý, thông báo kết quả bằng văn bản thông báo trong các cuộc họp hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những trường hợp cá biệt cần có gặp gỡ trực tiếp hoặc trả lời bằng thư riêng. Phát huy được sáng kiến, đóng góp của quần chúng, nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, nhất định Đảng ta sẽ thực hiện thắng lợi, đạt được những yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.