Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt, hoạt động và là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, hạ thấp vai trò và phủ nhận nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; nhằm làm cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức Đảng mất cảnh giác mà xem nhẹ, từng bước xa rời và từ bỏ nguyên tắc này. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Những luận điệu xuyên tạc, chống phá
Trong khi toàn Đảng đã, đang tích cực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, trên một số trang mạng xã hội phản động xuất hiện nhiều video, clip cắt ghép xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam, trong đó có việc bóp méo nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng.
Chúng xuyên tạc và rêu rao rằng: “Tự phê bình và phê bình chỉ là cái quy định ngớ ngẩn trong nội bộ Đảng Cộng sản”, “một chiêu trò bịt mắt dân”… Hơn nữa, viện dẫn những hạn chế trong tiến hành tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức rêu rao: Tự phê bình và phê bình trong Đảng thực chất chỉ nhằm “thổi phồng ưu điểm”, “che giấu khuyết điểm”, cốt yếu để “tâng bốc”, “bợ đỡ” và “lấy lòng nhau” mà thôi (!) Hay “tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi thường được tiến hành theo kế hoạch, theo định hướng, chỉ đạo bị động từ cấp trên, mang tính đối phó, dĩ hòa vi quý”. Ngoài ra, chúng nhận xét rằng: Về cơ bản khi sinh hoạt, kiểm điểm, biểu quyết, xin ý kiến đều có tình trạng “nhất trí cao”, “đồng thuận xuôi chiều”...
Có thể thấy, những luận điệu bóp méo, xuyên tạc của các thế lực thù địch là phiến diện, thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế thực hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích chính của chúng là cố tình phủ nhận những nguyên tắc hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, hòng làm giảm sức chiến đấu, mất đoàn kết trong Đảng, gây hoang mang, mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, chính quyền; từng bước kích động một bộ phận quần chúng nhẹ dạ biểu tình, chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thâm hiểm hơn là tìm mọi cách phá hoại công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cơ sở lý luận và thực tiễn để đấu tranh, bác bỏ
Sinh thời, C.Mác khẳng định: “Những sai lầm về sách lược là lúc nào cũng có thể có”, do vậy, “sự phê phán là yếu tố sống còn của nó”. Trong khi đó, Ph.Ăngghen cho rằng, việc tự phê bình và phê bình là tuyệt đối cần thiết và bằng cách đó Đảng học được cách hoạt động tốt hơn. Còn V.I.Lênin chỉ rõ: Cán bộ, đảng viên của Đảng cũng là con người, “không phải là thiên thần, không phải là thánh, không phải là anh hùng mà cũng là người như tất cả mọi người khác. Họ cũng có khuyết điểm. Đảng sửa cho họ”; “Tất cả những Đảng cách mạng đã bị tiêu vong (…) đều (… ) vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình...”.
Là người sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Do đó, Người yêu cầu các tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính Đảng, tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt công tác thực hiện nghị quyết, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, chân thành để sửa chữa và cùng nhau tiến bộ.
Quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đời đến nay, trải qua hơn 94 năm xây dựng, phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình phù hợp với điều kiện hoàn cảnh từng giai đoạn cách mạng. Nhờ đó, Đảng ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đòi hỏi kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) xác định: Tự phê bình và phê bình là nhóm giải pháp quan trọng, được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, từ cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tiếp tục thảo luận và ra Kết luận số 21-KL/TƯ về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong số các nhóm giải pháp được nêu ra, tự phê bình và phê bình một lần nữa được nhắc đến như một nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Không chỉ xuất phát từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam, sự sụp đổ của Liên Xô đã để lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam bài học vô cùng sâu sắc về kiên định và giữ vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Vì sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu có một nguyên nhân cơ bản nhất là đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, xây dựng và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là đã từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng - nói cách khác là đã từ bỏ vũ khí chiến đấu. Điều đó làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô không còn là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động; không còn là một tổ chức chiến đấu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cũng không thể tự bảo vệ mình. Bài học đắt giá đó cho thấy sự cần thiết phải trung thành với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định nguyên tắc tổ chức và xây dựng Đảng; kiên định và giữ vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng.
Tựu trung, cả về mặt lý luận và thực tiễn đều cho thấy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản là cách mạng và khoa học; là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự trường tồn và phát triển của Đảng, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng phù hợp với thực tiễn. Bởi tự phê bình và phê bình trong Đảng đã chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế và hướng khắc phục nhằm hướng đến sự phát triển, tiến bộ, trưởng thành của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức Đảng và sự vững mạnh của toàn Đảng, vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, không có thế lực nào có thể xuyên tạc, vu khống, phủ nhận nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số giải pháp cấp bách
Đi cùng kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức Đảng còn hình thức, đối phó và hiệu quả thấp. Những biểu hiện “dĩ hòa vi quý” trong tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức Đảng còn xuất hiện ở một số nơi. Về vấn đề này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”.
Để khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong thời gian tới chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp.
Một là, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên.
Hai là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.
Ba là, thực hiện tự phê bình và phê bình với thái độ và phương pháp đúng đắn, phù hợp.
Bốn là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu và các tổ chức quần chúng trong thực hành tự phê bình và phê bình.
Năm là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đặt ra cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi các thế lực thù địch luôn đẩy mạnh chống phá. Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng về tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, luôn đề cao cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng, qua đó làm cho tự phê bình và phê bình thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, là một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, góp phần khẳng định Đảng ta "là đạo đức, là văn minh".
Thượng tá, Tiến sĩ Vũ Thành Trung
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.