(HNMO) - Nhiều năm gần đây, Hà Nội liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới. Những quyết sách đúng đắn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về phát triển văn hóa và xây dựng con người đã giúp Hà Nội được coi là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn.
Thành phố di sản, con người văn hóa
Nói về danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng vào ngày 16-7-1999, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, đó là phần thưởng xứng đáng cho thành tựu và những cố gắng của thành phố trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về phát triển văn hóa, con người...
Với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng, trải qua và chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước", ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế về nhiều mặt, nhất là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, hiếm có.
Theo số liệu kiểm kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Trong số này, có 13 di tích quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích cấp quốc gia; 1.202 di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 1 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; 1 di sản tư liệu thế giới.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, Hà Nội thực sự là “thành phố di sản văn hóa”, như những thành phố nổi tiếng thế giới: Paris, Roma, Berlin, Saint - Petersburg, London, Praha… Đó là nguồn lực quý giá giúp Thủ đô phát triển bền vững, là nền tảng cho sự nghiệp giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống, nhân cách, lối sống, xây dựng con người mới, xây dựng công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển đã luôn lấy văn hóa làm điểm tựa để phát huy truyền thống, kiến tạo Thủ đô hiện đại, văn minh nhưng vẫn đầy chất văn hiến, tài hoa, thanh lịch. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, trong 20 năm qua, kể từ khi được trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội không chỉ quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn giá trị di sản, mà còn ưu tiên xây dựng và phát triển con người văn hóa - nhân tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững, văn minh, hiện đại.
Điều này được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố mà gần đây, nổi bật là Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Với việc ban hành các quy tắc ứng xử ở nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố vào năm 2017, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã có sự chuyển biến rõ nét. Người Hà Nội ứng xử văn minh không chỉ trong môi trường công sở, mà còn cùng nhau lan tỏa cách ứng xử đẹp tại nơi công cộng, bắt đầu từ những việc rất nhỏ.
Bà Nguyễn Lệ Hằng, tổ dân cư số 1, phường Thanh Xuân Nam hồ hởi khoe những đổi thay của nơi mình sống: “Chúng tôi bảo nhau cùng xây dựng nếp sống văn hóa tại khu phố. Mỗi tối, sau giờ ăn cơm, chúng tôi rủ nhau dạo bộ, rồi bóc, gỡ các tờ rơi quảng cáo được dán trên cột điện. Hằng tuần, cư dân khu phố lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, nhắc nhau đổ rác đúng nơi, đúng chỗ”.
Câu chuyện của bà Nguyễn Lệ Hằng chỉ là một chấm nhỏ về những đổi thay lớn của người dân Hà Nội trong việc giữ gìn nếp sống văn minh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã lan tỏa ở nhiều tổ dân, thôn, xóm. Người Hà Nội đang từng ngày góp sức làm đẹp nơi mình sống. Họ trồng cây, trồng hoa, cùng nhau dẹp nạn đổ rác không đúng nơi quy định, vận động con cháu tạo lập thói quen ứng xử văn minh… Ở những điểm công cộng như nhà chờ xe buýt, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí..., hình ảnh người dân kiên nhẫn xếp hàng đã không còn xa lạ. Du khách nước ngoài dễ dàng bắt gặp cử chỉ thân thiện, nụ cười, ánh mắt thân tình của người dân trên đường phố…
Những hành động rất đỗi bình dị ấy đã góp phần tô điểm cho truyền thống văn hóa lâu đời của Thủ đô ngàn năm văn hiến, giúp “Thành phố Vì hòa bình” thêm đẹp trong mắt người dân, du khách. Mỗi người dân, như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, đang “là một sứ giả quảng bá cho hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình".
Điểm đến thân thiện, an toàn
Nhắc tới Hà Nội, ông Thomas Eugene (con trai của Đại tá Walter Eugene - cựu phi công Mỹ từng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò) đã dành rất nhiều tình cảm tốt đẹp cho mảnh đất mà ông tự nhận là có sự gắn bó đặc biệt.
“Mỗi lần trở lại Hà Nội, tôi luôn có cảm giác thân thuộc, bình yên như thể trở về nhà. Danh hiệu Thành phố Vì hòa bình nói lên nhiều điều, cho thấy sự phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội”, ông Thomas Eugene nói.
Một nền đối ngoại rộng mở, sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, những giải thưởng, bình chọn từ các tổ chức uy tín khiến không ai có thể phủ nhận: Hà Nội thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Hà Nội đã tìm được cảm giác thư thái, bình yên, thoải mái dạo bước trên phố Hà Nội mà không cần đến những dàn vệ sĩ được “trang bị tận răng” vây quanh.
Công chúng Việt Nam hẳn không quên hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm khi tới Hà Nội dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 - năm 2006; hình ảnh Tổng thống Pháp Francois Hollande dạo bộ tới nhiều điểm đến văn hóa tại khu phố cổ Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 hay Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả tại một quán bình dân trong chuyến công du Việt Nam năm 2016; Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức “cà phê vỉa hè” khi thăm Việt Nam vào tháng 2-2019… Những hình ảnh ấy khiến Hà Nội thêm gần gũi, tin cậy trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, du lịch Thủ đô đang “ghi điểm” với du khách trong và ngoài nước. Hai mươi năm qua, du lịch Hà Nội thay đổi rõ nét cả về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và điều quan trọng là Hà Nội đã gây ấn tượng về một điểm đến an toàn, thân thiện.
“Nhiều di sản của Hà Nội tiếp tục phát huy tốt giá trị, thu hút khách quốc tế như: Khu phố cổ, di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Cùng với đó, việc xây dựng những điểm đến mới mang tính khác biệt đã tạo cho Hà Nội sức hấp dẫn không nơi nào có, như không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng…”, ông Phùng Quang Thắng nhận định.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đón hơn 3,3 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2018. Những thành công có được của du lịch Thủ đô đến ngày hôm nay là nhờ thành phố luôn xác định mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn thông qua việc thực hiện mô hình du lịch xanh, du lịch không khói thuốc, thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong các hoạt động dịch vụ…
Thành tựu lớn của du lịch Thủ đô trong 20 năm qua không chỉ nhờ vào nỗ lực của cơ quan quản lý, các đơn vị lữ hành, mà mỗi dân người Hà Nội cũng đang chung tay xây dựng môi trường du lịch an toàn, cởi mở, thân thiện, phát huy những giá trị cốt lõi của đời sống văn hóa Thủ đô được bồi đắp qua hơn 1.000 năm.
Chị Nguyễn Anh Đào, chủ homestay ở 94 Hàng Bông nhiều năm nay cùng gia đình thực hiện mô hình du lịch mới, đón khách quốc tế tại nhà. Chị tự xây dựng tour du lịch trải nghiệm để những vị khách nước ngoài cảm nhận rõ nét hơn về văn hóa Hà Nội. Họ được tận tay vào bếp thực hiện những món ăn truyền thống, nghe những câu chuyện về lịch sử, văn hóa... của Thủ đô.
“Hãy thu hút khách du lịch từ những điều nhỏ. Tôi có nhiều vị khách người Pháp sau khi ghé chơi đã tiếp tục quay trở lại cùng gia đình. Họ nói với tôi rằng, họ yêu Hà Nội vì những điều giản dị và họ thích thú được trải nghiệm cuộc sống của người Hà Nội”, chị Đào kể.
Giữ gìn truyền thống nhưng không quên bồi đắp, sáng tạo dựa trên những di sản, nét văn hóa độc đáo, khó trộn lẫn đã và đang giúp Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Tiến sĩ Edward Koh, Giám đốc điều hành Tổng cục Du lịch Singapore khu vực Đông Nam Á đánh giá, bên cạnh việc sở hữu kho tàng di sản văn hóa vô cùng giá trị, điều quan trọng là Hà Nội luôn khiến du khách cảm thấy bình an, là nơi mà du khách có thể thư thái trải nghiệm từ những nét đời sống bình dân nhất.
Hà Nội luôn nỗ lực không ngừng để phát triển một cách toàn diện, trở thành thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Trong đó, những giá trị về văn hóa, về con người đang giúp Hà Nội dần khẳng định là “nơi đáng sống”, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.