(HNM) - Ùn tắc giao thông đã và đang là vấn đề bất cập của giao thông Thủ đô. Kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường không khí...
Ùn tắc giao thông đang là bài toán lớn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.Ảnh: Bá Hoạt |
Ùn tắc giao thông đã và đang là vấn đề bất cập của giao thông Thủ đô. Kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; các sở, ngành, lực lượng liên quan đã thực hiện hàng loạt nhóm giải pháp đồng bộ, từng bước kéo giảm số "điểm đen" cũng như thời gian ùn tắc giao thông, song vẫn chưa đạt được sự bền vững.
Diễn biến phức tạp
Nếu như vào giai đoạn năm 2011, trên địa bàn thành phố có tới 124 "điểm đen" ùn tắc, trong đó có những tuyến phố, nút giao thông ùn tắc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thì nay chỉ còn 33 "điểm đen", thời gian ùn tắc cũng đã giảm đáng kể. Có được những kết quả trên là do thành phố đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; điều chỉnh giờ học, giờ làm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm; phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào tổ chức và điều hành giao thông... Tuy nhiên trên thực tế, tình hình ùn tắc dù đã từng bước giảm nhưng chưa bền vững, tiếp tục gây tổn thất về mặt kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân do tiếng ồn, khói bụi, khí thải..., đặc biệt là tại các tuyến đường hướng tâm, như: Giải Phóng, Lê Văn Lương - Giảng Võ, Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng...
Ông Nguyễn Đức Cường, Khu tập thể Kim Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa) nhận xét: "Không phủ nhận những nỗ lực của thành phố, song phương tiện giao thông cá nhân gia tăng theo cấp số nhân như hiện nay thì có làm thêm bao nhiêu cầu, đường, mở thêm nhiều nút giao thông cũng sẽ không thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc. Thành phố cần có giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Với những tuyến đường đủ điều kiện, cần tổ chức phân làn, phân luồng triệt để và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Ví dụ như tuyến đường Đại Cồ Việt, trước đây khi tổ chức phân làn, phân luồng ô tô - xe máy, ùn tắc giảm ngay nhưng sau đó, do thiếu lực lượng bố trí chốt trực, xử phạt chưa nghiêm, cộng với ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế nên ùn tắc lại tái diễn”.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đã được quy hoạch và tập trung nguồn lực đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Tuy nhiên, phương tiện giao thông đường bộ tăng quá nhanh (tốc độ tăng trưởng của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, Tết.
Ô nhiễm môi trường gia tăng
Đầu tư phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Hoạt |
Tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID thực hiện, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI trung bình của thành phố là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi mịn PM2,5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia. Có 37 ngày nồng độ PM2,5 trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn quy chuẩn quốc gia và 47 ngày vượt quá giới hạn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Với số lượng và tốc độ phát triển như hiện nay, phương tiện giao thông đường bộ sẽ là nhân tố tác động lớn đến môi trường không khí, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhân dân Thủ đô.
Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843 nghìn ô tô và hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy; đến năm 2030 số ô tô sẽ hơn 1,9 triệu; xe mô tô, gắn máy sẽ hơn 7,5 triệu chiếc. Nếu để phát triển tự nhiên, chắc chắn người dân sẽ không thể đi lại do ùn tắc giao thông.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030". Từ thực tiễn cấp bách của cuộc sống, cùng với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện khả thi được nêu, đề án đã thuyết phục được 95/96 đại biểu HĐND TP Hà Nội bỏ phiếu thông qua và chính thức cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND. Một số chuyên gia nhấn mạnh, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đã đặt ra thách thức rất lớn, nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, giờ là lúc tất cả phải cùng nhìn về một hướng, không “bàn ra” mà chỉ “bàn vào” để thống nhất hành động.
(Còn nữa)
Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 5,2 triệu xe máy, gần 486 nghìn ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác về tham gia giao thông tại Hà Nội. Nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị, với vận tốc 20km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.