Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Biệt thự tiền tỷ mục nát

Hà Tuấn - Tiến Thành| 01/04/2015 05:49

LTS: Thực trạng

LTS: Thực trạng "đô thị bỏ hoang, đất vàng bỏ phí" không chỉ ở một vài địa phương mà đã trở thành vấn đề đáng báo động. Nhiều doanh nghiệp nhà nước mang vốn đầu tư vào các khu đô thị để rồi bỏ hoang, hàng loạt dự án "khủng" chiếm hàng trăm nghìn héc ta đất nông nghiệp của người dân, rồi để cỏ mọc. Hệ lụy là rất nhiều khu đô thị "ma", công trình "không hơi người" ngày càng xuống cấp thê thảm chôn vùi không biết bao nhiêu tỷ đồng...

Bài 1: Biệt thự tiền tỷ mục nát

Ở phía Nam, đô thị hoang có nhiều nhất ở tỉnh Bình Dương, một tỉnh được đánh giá tiên phong với nhiều chính sách đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng. Hàng loạt khu đô thị không bóng người, chỉ có những đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ. Nhiều ngôi biệt thự tiền tỷ xuống cấp đến mức người dân phải xót xa thốt lên rằng: "Chúng tôi kiếm từng đồng bạc lẻ, nhìn những ngôi nhà bạc tỷ mục nát theo năm tháng mà thấy đứt ruột gan…".

Bê tông cốt thép gỉ sét theo thời gian tại các dự án đô thị ở Bình Dương.


Biệt thự ngập cỏ lau

Từ TP Hồ Chí Minh đi về phía Đông bắc gần 50km, chúng tôi đến Khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), tiếp tục đi vào gần 10km, chúng tôi đến khu căn hộ "hoang" (phường Thới Hòa), đập vào mắt là con đường dài hơn 1km, xe tải quần thảo bụi tung mịt mù… Vượt qua quãng đường này, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng nghìn cọc bê tông cốt nền cao quá đầu gối mọc lên tua tủa trên những khu NE, NJ, DH, DE... Các khu này đều có móng nền kiên cố và quy hoạch đâu ra đó. Thế nhưng, trái ngược là cảnh hoang tàn hiện rõ trên từng thanh thép đã hoen gỉ theo thời gian. Đáng nói hơn, hàng chục căn hộ gần như hoàn thiện đang phơi nắng phơi sương, vách tường phủ từng lớp rêu mốc. Từng căn nhà, xộc lên mùi hôi hám. Chúng tôi vừa đi vừa lựa để tránh những đống phân bò dày đặc trên nền nhà. Lên đến tầng cao nhất, nhìn ra xa càng ngán ngẩm và chua xót, bởi những ngôi nhà hoang tàn dù cho đường sá, cầu cống, hệ thống thoát nước… đã được hoàn thiện.

Bà Đỗ Thị Gái (ngụ tại khu phố 1, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) cho biết: Khu căn hộ cao cấp này đã bỏ hoang bảy, tám năm nay, giữa năm 2008 khi kinh tế suy thoái cũng là lúc Công ty CP Phát triển đô thị (Becamex UDJ) cùng các nhà đầu tư ngừng xây dựng. Để rồi các khu nhà này rơi vào tình trạng không một bóng người cho đến hôm nay và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. "Thú thực, vì lý do đặc thù công việc của hai vợ chồng nên không chuyển đi được chứ thực sự ai mà chả muốn đi, bởi ở đây không khác gì vùng đất chết… Buồn lắm!" - bà Gái nói.

Đi sâu vào trong khu đô thị, chúng tôi bắt gặp thêm vô số căn nhà bỏ hoang. Cụ thể, tại khu G, hàng trăm căn biệt thự cao cấp nằm san sát nhau khiến cho bất cứ ai cũng bị ngợp bởi sự nguy nga, tráng lệ của nơi đây. So về số lượng, đẳng cấp, lẫn khâu quy hoạch thì khu vực này gần như hoàn chỉnh, nhiều căn biệt thự đã được xây dựng tường rào và cổng vào, hệ thống cửa kính, mái ngói có kiến trúc rất bắt mắt. Thế nhưng, từng căn biệt thự vẫn không thể "giấu" được sự xuống cấp bởi những cánh cổng sắt hoen gỉ, tường bao quanh đã rêu mốc, thậm chí đổ vỡ trơ trọi. Cả khu vực, cỏ lau mọc um tùm quá đầu người. Những biệt thự hoàn thiện cạnh đó, còn có số phận tồi tệ hơn, bởi những căn nhà bạc tỷ này chỉ dùng để… nuôi gia cầm. Tại đây, sự cô quạnh phần nào giảm bớt bởi có sự hiện diện của những công nhân làm nhiệm vụ chăm sóc, duy trì vườn hoa, cây cảnh và lực lượng bảo vệ trông coi khu biệt thự "vô chủ".

Đại diện tổ bảo vệ trong khu biệt thự (thuộc khu G) cho biết, đây là những căn hộ cao cấp được Becamex UDJ bán lại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế nên các căn hộ này vẫn chưa có người đặt mua. "Đã hoàn thiện gần chục năm nay, nhưng không có người dọn đến ở nên các căn nhà xuống cấp là điều khó tránh khỏi, chúng tôi cũng đau xót lắm khi chứng kiến khối tài sản khổng lồ này mục nát dần theo năm tháng. Hàng triệu người dân nghèo chỉ dám mơ một căn nhà nhỏ để sinh sống thì các căn hộ tiền tỷ vẫn bỏ hoang chờ đến ngày khai tử" - một người trong nhóm bảo vệ chua xót nói.

Men theo đường NE3, chúng tôi sang Khu đô thị Mỹ Phước 2 để đi tìm hiểu thêm sự việc. Khác với Mỹ Phước 3, những căn nhà tại đây đã lác đác có người dân dọn đến ở và hạ tầng cũng đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ số căn hộ có người đến ở với số căn hộ bỏ hoang thì quả thật có không ít vấn đề. Cụ thể, tại mặt tiền của tuyến đường rộng lớn, nhiều làn xe có hệ thống cây xanh rợp bóng mát, xen lẫn những dãy hoa được trồng rất đẹp, nhưng hai dãy nhà được bố trí san sát nhau hai bên đường đều bỏ trống, không một bóng người. Điều đáng nói, tại đây cũng đã hình thành sẵn các khu mua sắm, siêu thị, chợ… nhưng cũng trong tình trạng "cửa đóng then cài".

Những mô hình "ma"?

Tiếp tục hành trình đến thành phố mới Bình Dương. Thật bất ngờ, chúng tôi thấy tại trung tâm thành phố, nhiều tòa nhà cao tầng lẫn trung tâm thương mại (nằm cạnh tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương) đã được xây cất hoàn chỉnh nhưng chỉ lác đác một số căn hộ sử dụng, còn hầu hết đang bỏ trống. Đáng nói hơn, tại phường Phú Tân và Hòa Phú (nằm cách trung tâm thành phố mới khoảng 1km) cảnh hoang tàn thể hiện trên từng con đường. Hiện nay, hai phường này được xem là trọng tâm nằm trong quy hoạch khu đô thị mới của Bình Dương. Trong tương lai, khu vực này được bố trí xây dựng khu tái định cư, khu công nghiệp đô thị, dịch vụ, khu liên hợp… Các khu tái định cư này được xây dựng nhằm bố trí chỗ ở cho người dân phường Phú Mỹ khi tỉnh Bình Dương tiến hành thu hồi diện tích đất cao su phục vụ cho việc mở rộng và phát triển đô thị. Thế nhưng, tại phường Phú Tân, quy hoạch đất nền dù đâu vào đấy, nhưng việc xây dựng vẫn thưa thớt, nhiều căn nhà xây xong rồi vẫn bỏ trống. Sống ở đây kể từ những ngày đầu thành lập phường Phú Tân, ông Lê Đình Thế (quê Thanh Hóa), chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng cho biết, thuê với giá 2 triệu đồng/tháng. Mang tiếng khu dân cư mới nhưng rất ít người ở, bởi dù được đền bù và bố trí chỗ ở, nhưng vì hạ tầng chưa đồng bộ, hoạt động kinh doanh buôn bán khó khăn nên người dân không mấy mặn mà. "Nếu các anh có nhu cầu mua đất để ở tại đây thì không nên, còn mua để đầu tư thì tốt nhất đợi thêm thời gian nữa", ông Thế chia sẻ.

Tiếp tục đi xuống phía Khu công nghiệp Tân Vĩnh Hiệp, những con đường rộng rãi chưa được đặt tên càng làm cho quang cảnh tại khu vực phường Phú Tân thêm ảm đạm. Bên ngoài mặt đường lớn có khá nhiều cư dân sinh sống, nhưng đi sâu vào bên trong mới thấy cảnh hoang tàn. Cái nắng buổi trưa cộng với những cơn gió lướt qua từng hàng cây không có bóng khiến nhiều người có cảm giác ớn lạnh. Đa phần những căn nhà được xây dựng tạm bợ với mục đích cho công nhân thuê nhà trọ. Có căn nhà đang được xây dựng gấp gáp, cũng có căn đã hoàn thiện nhưng cổng khóa trái im ỉm. Những lô đất trống có nơi được xây vài hàng gạch sơ sài để đánh dấu thửa đất, thậm chí có những khu đất được sử dụng làm… bãi chăn thả trâu, bò. Có thể nói, không chỉ riêng khu vực này mà xung quanh thành phố mới Bình Dương còn cả nghìn hécta đất bỏ không chưa biết "số phận" sẽ về đâu, trong khi công tác quy hoạch, phát triển đô thị thiếu căn cứ, không phù hợp với thực tế tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Biệt thự tiền tỷ mục nát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.