Xây dựng

Nhà tái định cư bị bỏ hoang: Nghịch lý cần tháo gỡ!

Nhóm phóng viên 31/07/2023 08:30

Trong khi hàng nghìn người xếp hàng chờ bốc thăm để mong có cơ hội được mua nhà ở xã hội thì nhiều tòa nhà tái định cư đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện đến 80-90% đang trong cảnh bỏ hoang, không có người đến ở. Có những tòa nhà đóng cửa suốt chục năm khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng...

Vì sao lại xảy ra tình trạng này và giải pháp nào để “gỡ khó” cho nhà tái định cư bị bỏ hoang?

nha-o.jpg
Hai khối nhà tái định cư trên đường Khuyến Lương, phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) xây xong rồi bị “bỏ hoang” suốt nhiều năm.

Nhà xây xong rồi… đóng cửa

Hơn 10 năm trước, nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) từng là dự án “hot”, được nhiều người quan tâm săn tìm. Dự án gồm 1 tầng hầm, 13 tầng căn hộ, là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Sau khi hoàn thành 80% khối lượng xây dựng, dự án bất ngờ dừng thi công và nằm “đắp chiếu” suốt hơn chục năm qua...

Tương tự, trên địa bàn quận Long Biên, 3 tòa nhà tái định cư N3 - N4 - N5 nằm trên “đất vàng” của Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng), với hạ tầng giao thông đồng bộ, nhưng từ khi được hoàn thiện năm 2006 đến nay, các tòa nhà vẫn nằm “đắp chiếu”. Cách đó không xa, các khối nhà tái định cư nằm trên trục đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh) cũng rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp do không được đưa vào sử dụng. Đây là các khối nhà được xây dựng nhằm phục vụ đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm.

Một dự án tái định cư khác cùng chung số phận nằm “đắp chiếu” là Dự án nhà tái định cư tại ngõ 22 đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai). Tại đây có hai khối nhà tái định cư gồm một cụm nhà 15 tầng và một cụm nhà 9 tầng với hàng trăm căn hộ được xây dựng từ nhiều năm nay nhưng vẫn không có người ở. Bà Hoàng Thị Tâm, cư dân sống cạnh các tòa nhà tái định cư cho biết: Từ khi khối nhà xây dựng xong, chẳng thấy ai đến ở nên nhiều người tận dụng diện tích trống quanh dự án để tăng gia, khiến quang cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu.

Hiện còn rất nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm… cũng trong cảnh bị bỏ hoang, “cửa đóng then cài” suốt nhiều năm, gây lãng phí tiền của Nhà nước, nguồn lực của xã hội.

“Gỡ rối“ hướng nào?

Lý giải về việc hàng loạt dự án nhà tái định cư xây dựng xong chưa đưa vào sử dụng, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho hay, để phục vụ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, thành phố phải có sẵn quỹ nhà để các địa phương bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Bên cạnh các dự án đã đưa vào sử dụng, còn một số dự án chưa hoàn thiện do còn thiếu các thủ tục cần thiết như nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy...

Về phía đơn vị quản lý trực tiếp, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Cao Đức Đại cho biết, hiện công ty được giao quản lý khoảng 300 căn hộ nằm rải rác tại nhiều dự án khác nhau trên địa bàn thành phố. Đây là quỹ nhà để phục vụ các dự án cải tạo chung cư cũ, di dời các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường... Các dự án nhà tái định cư bị “bỏ hoang” thực chất là những dự án chưa thể đưa vào sử dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau và hiện chưa được bàn giao cho công ty quản lý.

Từ thực tế cho thấy, việc xây dựng sẵn các quỹ nhà tái định cư để phục vụ các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố đang bộc lộ nhiều bất cập. Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) Lê Hải Quang cho biết, đa số người dân không mặn mà với các dự án nhà tái định cư do chất lượng xây dựng, hạ tầng cơ sở và thiết kế căn hộ... còn nhiều tồn tại. Nhiều trường hợp người dân trên địa bàn phường được mời ra bốc thăm nhận nhà nhưng từ chối, mong muốn được nhận tiền và tự tìm phương án tái định cư mới.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để không còn tồn tại những quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, bên cạnh chất lượng xây dựng, thì nơi ở mới để tái định cư cần đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội: Nhà trẻ, trường học, chợ... phục vụ người dân. Các căn hộ tái định cư cần xây dựng sát với nhu cầu thực tế. Với những dự án nhà tái định cư đang bị bỏ hoang cần đưa ra phương án thu hồi và tổ chức đấu giá, chuyển đổi công năng thành nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội để bán cho người dân có nhu cầu thực sự, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát và lãng phí đất đai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà tái định cư bị bỏ hoang: Nghịch lý cần tháo gỡ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.