Chiều nay (27/11), trước khi diễn ra phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo tại hội trường về Luật dược (sửa đổi).
Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành dược và đề nghị luật xác định chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp dược thành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên phát triển dược cổ truyền, bởi Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, nhiều bài thuốc hay, quý lưu truyền trong dân gian như chữa rắn cắn, vô sinh...
(Ảnh minh họa) |
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng tình trạng mua bán thuốc tây y quá dễ dàng “như mua rau ngoài chợ”, mua thuốc không cần đơn của bác sỹ. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đưa ra số liệu cảnh báo là 76% bác sĩ kê đơn không phù hợp, khiến tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam cao nhất toàn cầu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần quy định trách nhiệm khi để xảy ra tai biến khi dùng thuốc.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc quảng cáo tràn lan, quá lố của các loại thực phẩm chức năng – “không phải là thuốc”, cũng như mỹ phẩm khiến người dân bị lẫn lộn và sử dụng bừa bãi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính. Việc quản lý các loại này rất lỏng lẻo, vì vậy cần bổ sung vào trong luật.
Đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) nói: “Thực phẩm chức năng nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc. Hiện có 10.000 loại thực phẩm chức năng, nhưng công tác quản lý nhiều khoảng trống. Việc quảng cáo thổi phồng công dụng khiến người dân lầm tưởng; chưa quản lý được giá cả; nhiều loại thuốc được đăng ký là thực phẩm chức năng để không cần kê đơn”.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị cần quy định các điểm bán thuốc phải đạt yêu cầu, người bán thuốc phải có trình độ, có nơi bảo quản thuốc phù hợp; quản lý chặt chẽ về giá thuốc, bình ổn giá đối với những loại thuốc thiết yếu; bổ sung quy định đảm bảo tính minh bạch trong quản lý giá thuốc.
Bà Ngô Thị Minh đề nghị công khai niêm yết giá thuốc trên bao bì sản phẩm; bắt buộc ghi tên gốc và tiếng Việt nếu là thuốc nhập ngoại để người dân dễ theo dõi. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý đầu vào các loại thuốc cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, để tránh thuốc giá quá cao so với mặt bằng các nước.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) đề nghị, để phát ngành dược trong nước, bảo vệ quyền lợi của người bệnh cũng như các công ty làm ăn chân chính, cần hạn chế nhập khẩu thuốc cùng loại hoặc từ các công ty có dấu hiệu vi phạm. Việc phân phối thuốc chữa bệnh cũng cần đưa vào luật, bởi hiện nay với 2.000 công ty phân phối sẽ làm rối rắm thị trường.
Đại biểu đề nghị giải quyết 3 nguyên nhân chính khiến giá thuốc tăng, đó là tình trạng độc quyền và câu kết nâng giá; mua bán lòng vòng đẩy giá lên; mua chuộc, bắt tay giữa công ty dược và bác sĩ để ăn hoa hồng, chiết khấu.
Các đại biểu cũng khẳng định có tình trạng “người một nơi, đăng ký hành nghề một nơi”. Đây là biểu hiện của việc cho thuê bằng dược sĩ, chứng chỉ hành nghề trá hình./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.