Việc chính quyền Hàn Quốc bắt đầu triển khai biện pháp mạnh tay hơn liên quan tới cuộc đình công diện rộng của các bác sĩ khiến giới quan sát lo ngại. Mâu thuẫn nếu không được kịp thời hóa giải có thể dẫn tới những tác động sâu rộng trong đời sống xã hội. Vấn đề lúc này là cần nhanh chóng tìm ra bước đột phá để giải quyết bế tắc càng sớm càng tốt.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc đã chính thức gửi thông báo đình chỉ giấy phép hành nghề trong vòng 3 tháng đối với hai lãnh đạo ủy ban khẩn cấp tại Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) là Park Myung-ha và Kim Taek-woo. Biện pháp trừng phạt có hiệu lực kể từ ngày 15-4-2024. Bộ Y tế Hàn Quốc cũng cho biết, hai bác sĩ cấp cao này còn bị cáo buộc đã kích động các bác sĩ thực tập đình công tập thể để phản đối việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Y thêm 2.000 sinh viên bắt đầu từ năm tới, bất chấp lệnh cấm của Chính phủ.
Biện pháp đình chỉ giấy phép hành nghề là hình phạt được thông báo từ trước đó, sau khi hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ đang đào tạo của Hàn Quốc đã nghỉ việc vào tháng 2 để phản đối kế hoạch của Chính phủ. Hai bác sĩ cấp cao Park Myung-ha và Kim Taek-woo là những trường hợp bị đình chỉ đầu tiên. Giới quan sát cho rằng, động thái cứng rắn của Chính phủ Hàn Quốc là dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn đang ngày càng trở nên sâu sắc và dường như chưa có lối thoát khả thi. Nhiều người lo ngại, việc “trừng phạt” các bác sĩ cấp cao có thể "đổ thêm dầu vào lửa".
Trước đó, khi các bác sĩ cấp dưới chưa có dấu hiệu lùi bước và tình trạng bế tắc kéo dài vẫn chưa được giải quyết, ủy ban khẩn cấp bao gồm các giáo sư y khoa đã thông báo rằng, giảng viên từ 16 trường y sẽ nộp đơn từ chức hàng loạt vào ngày 25-3. Động thái này đi ngược lại lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc, vốn mong muốn các giáo sư cố gắng thuyết phục sinh viên y khoa và bác sĩ cấp dưới quay trở lại trường học và bệnh viện, đồng thời tham gia thảo luận để cải thiện hệ thống y tế của đất nước.
Mâu thuẫn chủ đạo nằm ở kế hoạch gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên ngành Y. Chính phủ Hàn Quốc khẳng định, kế hoạch tuyển dụng này nhằm mục đích bổ sung thêm bác sĩ để chuẩn bị cho thực tế dân số đang già đi nhanh chóng của Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thuộc hàng thấp nhất trong các nước phát triển. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, trường học không thể đáp ứng được sự gia tăng đột ngột số lượng sinh viên ngành Y. Việc này còn làm suy yếu các dịch vụ y tế trong nước, đồng thời có thể khiến bệnh nhân phải chịu chi phí y tế cao hơn. Các bác sĩ cũng kêu gọi tiến hành những biện pháp cấp bách để cải thiện vấn đề tiền lương đối với bác sĩ chuyên khoa và bảo đảm pháp lý cho giới bác sĩ trước các vụ kiện về sơ suất y tế. Tuy nhiên, Tạp chí Time chỉ ra, nghề bác sĩ tại Hàn Quốc được xếp hạng vào nhóm được trả lương cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thực tế này cũng dẫn đến những chỉ trích rằng, việc đình công có thể thiên về mục tiêu bảo vệ lương bổng của các bác sĩ hơn là cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ tiếp tục gây căng thẳng cho hệ thống y tế Hàn Quốc. Nước này đã phải triển khai bác sĩ quân y và bác sĩ thuộc hệ thống y tế công cộng “chi viện” cho các bệnh viện bị ảnh hưởng. Theo truyền thông bản địa, nếu các giáo sư y khoa cũng tham gia nghỉ việc tập thể, tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nhiều lời kêu gọi đã dấy lên về việc đã đến lúc các bác sĩ và Chính phủ Hàn Quốc phải tìm ra bước đột phá để giải quyết bế tắc càng sớm càng tốt. Báo giới Hàn Quốc cũng cho rằng, đã đến lúc KMA và Chính phủ cần có cuộc gặp trực tiếp, cởi mở để đưa ra giải pháp tối ưu, bỏ qua mọi khác biệt. Cuộc thăm dò do Gallup Korea tiến hành tuần trước cho thấy, trong số 47% những người tham gia khảo sát ủng hộ kế hoạch của Chính phủ có 41% cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc nên điều chỉnh con số hoặc thời gian triển khai.
Trước mắt, cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc chưa thể hạ nhiệt do Chính phủ và cộng đồng y tế nước này không có động thái nhượng bộ. Mâu thuẫn ngày càng sâu sắc đồng nghĩa với việc bệnh nhân và các bệnh viện còn phải gánh chịu thiệt hại. Nếu không được giải quyết kịp thời, khủng hoảng trong hệ thống y tế có thể để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống xã hội Hàn Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.