Ngày 5-4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản tại cộng đồng”.
Thời gian qua, sự việc một điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) tiến hành hồi sinh tim phổi, cứu sống một du khách người Ấn Độ bị ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng. Nhiều người cho rằng, khi gặp người bị nạn, việc cấp cứu ban đầu để hồi sinh tim phổi là vô cùng cần thiết.
Hồi sinh tim phổi gồm hai giai đoạn: Cơ bản (dành cho cộng đồng và ngoài bệnh viện) và nâng cao (dành cho các nhân viên y tế và bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ).
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Nguyên tắc chung của sơ, cấp cứu là bảo đảm an toàn. Trước hết, phải bình tĩnh, bảo đảm an toàn cho bản thân và cho người bị nạn, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ. Ngoài ra, không di chuyển nạn nhân khi chưa có đánh giá ban đầu; đề phòng lây nhiễm bằng cách đeo găng tay hoặc sử dụng nilon khi tiếp xúc với vết thương; rửa tay trước và sau khi sơ cứu.
Để hỗ trợ cấp cứu cho người không may gặp nạn, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, cần tuân thủ theo các bước: Đánh giá hiện trường (mức độ nguy hiểm) - Đánh giá ban đầu (đáp ứng của người bị nạn) - Gọi trợ giúp - Thực hiện sơ cứu - Vận chuyển.
Ngoài các bước trên, cần chú ý 3 trường hợp: Nạn nhân vẫn còn ý thức; nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và bắt được mạch; nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở và mạch đã mất. Đối với từng trường hợp, đều có cách cấp cứu cơ bản khác nhau.
Cụ thể, đối với nạn nhân vẫn còn ý thức, tỉnh táo, khi sơ cứu cần đưa họ về tư thế cảm thấy dễ chịu nhất để hồi phục.
Đối với nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và mạch, cần đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu như không có chấn thương về cột sống, nhằm bảo vệ nhịp thở.
Còn đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất, cần nắm rõ thực hiện quy trình hồi sinh tim, phổi cơ bản.
Đầu tiên, cần gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng và nằm ngửa. Khi ép tim, cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Lực ép đủ để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh.
“Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Đối với trẻ nhũ nhi, khi ép tim sẽ sử dụng 2 ngón tay cái để ép. Nếu có 2 người thì 15 lần ép tim và 2 lần hỗ trợ hô hấp. Nếu có 1 người thì 30 lần ép tim và 1 lần hỗ trợ hô hấp”, các bác sĩ hướng dẫn.
Các bác sĩ cũng lưu ý thêm, khi sơ cấp cứu, cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh. Cụ thể, tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.
Cùng với việc sơ cấp cứu, cần gọi Trung tâm cấp cứu 115 hoặc hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.