(HNMCT) - Hỏi: Con tôi được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1, do đó, tôi không cho cháu dùng đồ ngọt như bánh kẹo, thay vào đó là các loại hoa quả, nước ép trái cây. Xin hỏi bác sĩ, lượng đường tự nhiên trong nước ép trái cây có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mắc tiểu đường? Hoàng Thu Trà (quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Đáp: Trái cây là một nguồn chất xơ rất tốt cho cơ thể. Có hai loại chất xơ, chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gắn kết với các axit mật trong ruột làm giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (làm dễ tiêu), thẩm thấu, nối kết với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.
Chất xơ không hòa tan giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, phòng chống tăng cholesterol trong máu. Nếu như chỉ uống nước ép trái cây nghĩa là đã loại bỏ đi phần chất xơ có tác dụng cản trở việc tăng đường - điều đặc biệt quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường.
Khi ép trái cây thường phải sử dụng lượng trái cây lớn hơn, nước ép chứa nhiều đường hơn so với ăn trái cây toàn phần. Nước ép cũng không còn chất xơ, khiến chúng ta hấp thụ đường nhiều và nhanh hơn. Lượng đường trong máu cao gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng với trẻ em mắc đái tháo đường.
Vì vậy, cách tốt nhất là nên cho trẻ ăn nguyên trái cây. Ví dụ, ăn cam, quýt thì nên ăn cả múi, ăn nho, táo cả vỏ bởi chất xơ có nhiều trong xác vỏ làm hấp thu đường chậm và có khả năng chống táo bón.
Bác sĩ Nguyễn Thu Yên
Chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.