(HNMO) - Với mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận để các họa sĩ thực hiện những tác phẩm để đời. Nhiều tác phẩm thậm chí đi vào lịch sử, có giá trị lớn đối với giới mỹ thuật.
Người đặt nền móng cho tranh cổ động
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông (Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho tranh cổ động Việt Nam. Người đã đã sáng lập ra nhiều tờ báo như “Người cùng khổ” (Le Paria năm 1922), “Quốc tế nông dân” (1924), “Thanh niên” (1925)... và trực tiếp vẽ tranh minh họa, biếm họa - những hình thức tiền đề của tranh cổ động - trên nhiều tờ báo.
Giá trị tiên phong chứa đựng trong các tác phẩm biếm họa, minh họa do nhà báo Nguyễn Ái Quốc thực hiện từ những năm 1920 chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng và tạo ra thành quả rực rỡ của nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam.
Hai bức tranh cổ động được các họa sĩ tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để trưng bày. |
Bởi thế, trong trưng bày “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, rất nhiều họa sĩ đã xúc động khi nghĩ về Bác - nguồn cảm hứng để các họa sĩ sáng tác nên nhiều tác phẩm lớn trong đời.
Họa sĩ Trần Từ Thành, tác giả bức tranh cổ động “Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc” - đoạt giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, bày tỏ cảm xúc: “Tôi không nhớ bao nhiêu lần được vẽ về Bác, mỗi lần là một cảm hứng rất khác nhau. Riêng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Bác Hồ còn là một nghệ sĩ lớn để chúng ta học tập và noi gương. Nhiều tác phẩm mà chúng tôi thực hiện đã trở thành những kỷ niệm theo chúng tôi đến hết cuộc đời”.
Hoạ sĩ Lê Nhường. |
Còn với hoạ sĩ Lê Nhường, tác giả của bức tranh cổ động vẽ về Bác vào năm 1979 cũng bồi hồi xúc động cho biết, ông từng vẽ nhiều bức tranh cổ động về Bác, trong đó có 4 bức tranh đang được triển lãm tại các bảo tàng.
“Bác Hồ luôn là đề tài bất tận để các họa sĩ sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau. Nghĩ về Bác, chúng ta nghĩ đến một nhân cách lớn, một lãnh tụ gần gũi với nhân dân, một vĩ nhân với cách sống giản dị. Thể hiện sao cho ra nhân cách ấy là thách thức của các họa sĩ mà đến giờ chúng tôi vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo”, họa sĩ Lê Nhường bày tỏ.
Những tác phẩm để đời
Tác phẩm tranh cổ động “Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc” của họa sĩ Trần Từ Thành được đặt trên nóc Nhà thông tin triển lãm thành phố Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng) hơn 30 năm qua. Họa sĩ Trần Từ Thành cho biết, đó là một niềm vinh dự, tự hào rất lớn với riêng ông.
Bức tranh cổ động “Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc” được đặt ở Nhà Thông tin - Triển lãm thành phố Hà Nội hơn 30 năm. |
Nhớ về quá trình thực hiện bức tranh, ông kể: "Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông hào hứng tìm đề tài cho bức tranh tham dự cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976". Sau nhiều cân nhắc, hoạ sĩ Trần Từ Thành đã dựa trên ý thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Ta đi tới”: … Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam... Và tác phẩm “Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc” với tinh thần khát khao hòa bình được ra đời.
Bức tranh này sau đó được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc bấy giờ in và phát hành trên toàn quốc. Ngoài ra, tác phẩm còn được treo tại Bảo tàng Lenin ở Moscow (Nga), La Habana (Cuba)… Vừa qua, họa sĩ Trần Từ Thành đã tặng bản gốc của bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hoạ sĩ Trần Từ Thành tặng bức tranh gốc cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Còn với họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp, khi nhớ về tác phẩm lớn “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông”, ông chia sẻ: “Tôi đã đọc và tìm hiểu nhiều về câu chuyện, các cuộc gặp gỡ lịch sử của Bác và Hoàng thân. Chuyến gặp gỡ đầu tiên của hai người diễn ra năm 1945, đến cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời hoàng thân sang Việt Nam, cuộc hội ngộ lần này là tại căn cứ địa Việt Bắc".
Trong thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân thường trao đổi về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của cách mạng Lào, việc xây dựng mối liên minh, đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung của hai nước, để cùng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đông Dương.
Bức ảnh gốc. |
So với bức ảnh gốc, tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hiệp có nhiều sự sáng tạo. Không gian trong bức tranh nên thơ hơn khi có thêm hình ảnh ruộng bậc thang, hoa chămpa, những chú chim bồ câu trắng được lấy từ cảm hứng từ bài thơ “Sáng tháng 5” của nhà thơ Tố Hữu. |
Trong dịp gặp gỡ này, đã có những bức ảnh tư liệu ghi lại khoảnh khắc lịch sử giữa Bác Hồ và Hoàng thân. Một trong những bức ảnh đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, năm 1951 tại Việt Bắc. Họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp nhớ lại: "Và cũng xuất phát từ hình ảnh giản dị của Bác Hồ và Hoàng thân trong bức ảnh này, tôi đã vẽ bức Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông”.
Bức tranh “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông” với chất liệu sơn dầu, đã đạt 2 Giải thưởng Hồ Xuân Hương năm 2017 trong Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung; giải thưởng về Học tập làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2012-2014); giải thưởng trong triển lãm toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2015).
Ngoài bức “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông”, tác giả Nguyễn Trọng Hiệp còn có các tác phẩm khác vẽ về Bác Hồ như: “Bác Hồ về thăm quê”; “Niềm tin tất thắng”; “Thiên sử vàng”; “Hồ Chủ tịch và đồng bào các dân tộc”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.