Hà Nội kết nối

Bà Rịa - Vũng Tàu tìm cách “hút” nhân lực có chất lượng

Nhóm phóng viên 30/11/2023 - 14:59

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phát triển dựa trên 4 trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Cả 4 lĩnh vực này đều cần nhân lực có chất lượng.

a644.png
Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ định hướng trở thành tỉnh công nghiệp, phát triển kinh tế biển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chưa cân đối cung cầu

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 11-2023, tỉnh có hơn 8.500 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên có sử dụng từ 5 lao động trở lên với hơn 250.000 lao động.

Thời gian tới, dự tính các doanh nghiệp cần thêm ít nhất 20.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 80%, nhưng lao động có bằng cấp chỉ chiếm khoảng 33%. Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là hóa dầu, chế tạo, công nghệ thông tin, tự động hóa, du lịch - dịch vụ… đều yêu cầu lao động chất lượng cao. Với dân số khoảng gần 1,2 triệu người, mỗi năm lực lượng lao động của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tăng khoảng 0,15%, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.

a645.jpg
Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn có mức đầu tư 5 tỷ USD sắp đi vào hoạt động cần hơn 700 nhân lực chất lượng cao.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Cảng cá Cát Lở (thành phố Vũng Tàu) thông tin, đơn vị rất cần nhân sự làm việc tại cảng và các văn phòng đại diện nghề cá phục vụ kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào cảng, sản lượng hải sản bốc dỡ; truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu qua cảng; kiểm tra nhật ký khai thác; giám sát việc mở máy giám sát hành trình (VMS) của tàu cá… (giám sát IUU 24/7), nhưng không kiếm ra người.

“Trước đây, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang có đào tạo ngành khai thác thủy sản, nhưng nay đã dừng, nên không còn nguồn đào tạo. Nhân sự đang làm các công việc này chủ yếu là kiêm nhiệm nên trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Hưng nói.

a649.jpg
Rất đông bạn trẻ đến Ngày hội tuyển dụng việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng các doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 5% nhu cầu.

Trong Ngày hội tuyển dụng việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hôm 26-11 vừa qua, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 7.000 vị trí việc làm, nhưng số ứng viên đáp ứng được yêu cầu chỉ khoảng 5%. Điển hình, một doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tuyển 100 kỹ sư và công nhân có tay nghề giỏi để vận hành dây chuyền tự động mới, tiếng Anh thành thạo…, nhưng không thể tuyển đủ. Khách sạn Imperial (thành phố Vũng Tàu) muốn tuyển 50 nhân sự, nhưng ít ứng viên nộp hồ sơ...

Trong lĩnh vực du lịch, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có 12.000 lao động làm việc, tỷ lệ qua đào tạo khoảng 80%. Tuy nhiên, hiện tỉnh có 3 cơ sở đào tạo nghề du lịch, mỗi năm chỉ đào tạo được hơn 2.000 lao động, khó đáp ứng được nhu cầu dự báo tăng thời gian tới.

Với những người đang làm việc và có trình độ cao, tỉnh đối mặt với nguy cơ dịch chuyển lao động khi những người này có thể chuyển đến địa phương khác tìm việc làm phù hợp, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực.

a653.jpg
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần lao động có chất lượng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin thêm: Một số ngành nghề lao động trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo, như: Nông nghiệp, nhóm ngành nghề hóa chất, công nghệ số, công nghệ sinh học…, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung nhân lực cho phát triển.

Xây dựng giải pháp đồng bộ

Nhận diện rõ những thách thức này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Chương trình hành động về “Tăng cường biện pháp thu hút lao động chất lượng cao làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn giai đoạn 2024-2030”. Trong đó, có các hoạt động tăng cường kết nối thị trường, cung - cầu lao động, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thực hiện tốt các chính sách an sinh, thu hút lao động có trình độ.

a647a.jpg
Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ sở đào tạo đại học duy nhất của tỉnh, đào tạo đa ngành với 48 ngành/chuyên ngành trình độ đại học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2022, nhà trường đã sửa lại toàn bộ chương trình đào tạo theo cách là kết hợp với các doanh nghiệp, ký hợp đồng hợp tác đào tạo có địa chỉ để doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo sát với yêu cầu ngay từ năm học đầu tiên.

Còn Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Công ty cổ phần Lạc Việt (doanh nghiệp chuyên cung cấp lao động chất lượng cao cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất UBND tỉnh cần phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề du lịch chuẩn quốc tế xây dựng kế hoạch đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo kịp nhu cầu phát triển; thành lập quỹ học bổng xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cam kết sau tốt nghiệp, học viên phải công tác tại tỉnh…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Quốc Khánh thông tin thêm, trong kế hoạch từ nay đến năm 2030, tỉnh đã và đang xây dựng chính sách thu hút, giữ chân lao động chất lượng cao làm việc tại tỉnh; thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số… đáp ứng yêu cầu phát triển.

“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến hết năm 2025 đáp ứng được 75% và đến 2030 đáp ứng được 90% nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn, phù hợp định hướng trở thành tỉnh công nghiệp, phát triển kinh tế biển”, ông Trần Quốc Khánh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu tìm cách “hút” nhân lực có chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.