Giáo dục

Nhu cầu ngành thiết kế vi mạch lên tới 50.000 nhân lực chất lượng cao

Thống Nhất 19/10/2023 - 17:31

Theo dự báo, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới là khoảng 20.000 người.

Ngày 19-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

dsc02515-9681(1).jpg
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học; đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn; các chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.

a-a-i-bia-u-da-ha-i-tha-o.jpg
Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường, chuyên gia tham dự hội thảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang được quan tâm, Việt Nam được cho sẽ trở thành một trong những quốc gia chủ chốt của ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch.

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần đi đầu, dẫn dắt, định hướng để bắt kịp cơ hội, trong đó cần có sự chuẩn bị về kỹ càng về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực này trong 5 năm tới là khoảng 20.000 người; trong 10 năm tới khoảng 50.000 người.

a-nh-ka-ka-t.jpg
5 cơ sở giáo dục đại học ký kết kế hoạch hành động về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết biên bản hợp tác.

Việc ký kết nhằm thống nhất kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu ngành thiết kế vi mạch lên tới 50.000 nhân lực chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.