(HNMO)- Chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên đầu tiên của Chính phủ báo cáo giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.
Trước mối băn khoăn, trăn trở của nhiều cử tri và ĐB QH về nợ công, toàn bộ báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tập trung vào vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về vấn đề nợ xấu trước QH |
"Trước năm 2010, chúng ta chưa có quy định pháp lý về quản lý nợ công. Các chỉ số về nợ ở mức thấp, phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, về giới hạn an toàn Chính phủ, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của Quốc gia không quá 50% GDP. Cụ thể, dư nợ Chính phủ năm 2001 ở mức 35% GPD; 2006 là 35,2GDP; 2009 tăng mạnh lên 41,9% GDP do chúng ta tăng vay nợ để kích cầu. Dư nợ quốc gia năm 2001 ở mức 38,1% giảm dần vào năm 2006 xuống mức 31,2% sau đó tăng dần đến năm 2009 ở mức 38,8% GPD.
Từ năm 2010 đến nay, Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng. Công tác quản lý nợ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cường, công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương trong việc quản lý, sử dụng hiệu quản vốn vay" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Nợ xấu đang trở thành mối quan tâm, băn khoăn, lo lắng hàng đầu của nhiều ĐB QH và cử tri cả nước. |
"Bội chi ngân sách ở mức cao, cùng với việc thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn vay ODA, dư nợ công đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Năm 2011, nợ công bằng 50% GDP (tăng 24,8% so với năm trước). Năm 2012, nợ công là 58 % GDP (tăng 18,4%); năm 3013 là 54,2% GDP (tăng 17,9 %) và ước 2014 là 60,3% GDP ( tăng 23,3% ) và dự kiến 2015 là 64% GDP (tăng 19,9%).
"Trong thời gian qua, các chỉ số về nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia như tỷ lệ nợ công và nợ Chính phủ/GPD, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ cân đối NSNN so với tổng thu NSNN vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ Chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50%, nợ công dưới 65%) nhưng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức... Đặc biệt, áp lực trả nợ trong năm 2015, 2016 là lớn" - Bộ trưởng thừa nhận.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhận định cơ cấu nợ hiện không bền vững, phần lớn các khoản vay trong nước là ngắn hạn, phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng (số phát hành năm 2012 là 20.000 tỷ, 2013 là 40.000 tỷ và theo dự toán năm 2014 là 77.000 tỷ).'
ĐBQH Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm trích dẫn số liệu 19 đường hầm đi bộ ở Hà Nội thì có 4 đường hầm đóng cửa không sử dụng để nói về hiệu quả của đầu tư phát triển |
Trước đó, là ĐB đầu tiên phát biểu ý kiến trong chiều nay, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy những tồn tại khiến nền kinh tế chưa phát triển vững chắc. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ ra khá thẳng thắn. Tuy nhiên qua phản ánh của báo chí, cử tri, cần cân nhắc để có đánh giá chuẩn xác nhất về nợ công, nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Từ những số liệu chuẩn xác, QH mới có thể xem xét để cân đối NSNN và cử tri thấy rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình để góp phần tăng trưởng kinh tế những năm tới.
"Công ty quản lý tài sản ra đời để thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu của đất nước trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, hoạt động của công ty chưa đem lại hiệu quả, đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Song song đó, tình hình nợ xấu của ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%; cuối tháng 5 năm 2014 là 4,07% và đến tháng 7 /2014 là 4,11%) Đồng thời, thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại một lượng lớn nguồn vốn, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu. Đây là dấu hiệu bất ổn trong giai đoạn nền kinh tế vừa mới phục hồi" - ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề cập đến những khía cạnh cụ thể hơn của nợ xấu.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị cần có giải pháp tốt hơn để xử lý cục máu đông trong nền kinh tế Việt Nam |
Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có giải pháp tốt hơn cho việc xử lý nợ xấu hiện tại, cần xử lý tình trạng nợ xấu tăng trở lại của hệ thống ngân hàng thương mại; cần đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản, nhất là việc phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong hoạt động thời gian qua. Trên cơ sở đó có cơ chế, chính sách phù hợp hơn, tạo điều kiện để đơn vị này thực hiện hiệu quả các mục tiêu dặt ra, góp phần giải quyết tốt hơn tình trạng nợ xấu mà bấy lâu nay ta hay nói là cục máu đông trong nền kinh tế Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.